Một tử tù bị chặt đầu ở Ả Rập Xê-út. |
Một trăm tử tù đã bị chặt đầu tại Ả Rập Xê-út kể từ đầu năm, trong đó có cả dân nước này và người nước ngoài, báo Israel Haaretz dẫn các số liệu thống kê. Số trường hợp bị chặt đầu trong 5 tháng đầu năm nay nhiều hơn tổng số của cả năm ngoái. Sau khi bị chặt đầu, đầu của tử tù sẽ được khâu lại với phần thân vì luật Hồi giáo cấm làm hại tới những người bị hành hình.
Theo Haaretz, chặt đầu công khai là hình thức trừng phạt được áp dụng rộng rãi ở Ả Rập Xê-út đối với những đối tượng bị kết tội giết người, buôn ma túy, từ bỏ đạo Hồi… Trong khi đó, một tên trộm thông thường có thể bị cắt tay phải; cướp có vũ trang bị chặt cả hai tay. Những tội khác có thể áp dụng hình phạt “qisas”, nghĩa là “mắt đổi mắt”. Ví dụ, lấy mắt của kẻ bị kết tội làm hỏng mắt người khác; hủy hoại hoặc gây tổn thương cột sống của kẻ nào gây ra tội khiến người khác trở thành tàn tật. Cũng vì thế, tội nhân có cơ hội được tha nếu gia đình nạn nhân tha thứ hoặc nhận khoản tiền chuộc tội để miễn hình phạt tử hình. Một phụ nữ Indonesia không may mắn như vậy. Mắc tội giết bà chủ trong khi làm việc cho gia đình này, người phụ nữ Indonesia phải đợi 12 năm đến khi con trai của nạn nhân đủ lớn để được quyền quyết định tha thứ cho tử tù.
Tuy nhiên, người con trai từ chối, và tử tù bị chặt đầu. Đầu năm nay, phía Indonesia trả 1,8 triệu USD cho gia đình một người Ả Rập Xê-út bị một phụ nữ Indonesia khác giết. Thủ phạm nói mình là nạn nhân của tình trạng bạo lực. Khoản tiền ân xá cứu được mạng người phụ nữ này. Indonesia là nước có phần lớn dân số theo đạo Hồi và cũng áp dụng hình phạt chặt đầu.
Gần đây, nhà nghiên cứu Abdul Aziz al-Tuwaijri công tác tại ĐH Khoa học An ninh Naif Ảrập của Ả Rập Xê-út khảo sát một số lựa chọn thay thế hình thức chặt đầu nhằm đảm bảo không xung đột với luật Hồi giáo, rằng phương pháp thi hành án tử hình phải nhanh, không gây đau đớn, và cơ thể tội phạm không bị xâm phạm.
Ông al-Tuwaijri cho rằng, xử bắn không phù hợp vì làm thủng nội tạng và gây ra nhiều vết thương trên cơ thể tử tù. Theo ông, hành hình bằng ghế điện cũng bị cấm theo luật Hồi giáo, vì tử tù chỉ chết sau lần giật thứ ba. Lần giật đầu tiên khiến tử tù đau đớn, lần thứ hai dù bất tỉnh vẫn cảm nhận được cơn đau. Ông al-Tuwaijri cho rằng, tiêm thuốc độc là phù hợp hơn cả vì không gây đau đớn.