Tại một salon xe máy trên đường Tăng Bạt Hổ (TP Huế) vang lên những tiếng nổ pô đanh giòn. Cạnh bên những chiếc xe độ bắt mắt, ấn tượng là một nhóm thanh niên đang cặm cụi tỉ mẩn hàn những vết bục của chiếc xe cũ. Đó là nhóm độ xe của anh Nguyễn Duy Khoa, những chàng trai theo đuổi “nghiệp” độ xe với tuổi đời khá trẻ.
Gắn bó với nghề hơn 4 năm, Duy Khoa được các bạn bè trong nghề yêu mến không chỉ bởi đam mê mà còn bởi những chiếc xe anh làm ra rất sáng tạo và đẹp mắt.
4 triệu đồng và những xác xe bỏ đi
Chặng đường Khoa đến với nghề bắt đầu bằng chiếc xe Cub mà anh hay gọi vui là chiếc “mẹ của thời đại” vì đây cũng là chiếc mà Khoa bắt đầu học từ những bước cơ bản nhất về độ xe. Tuy nhiên, những vị khách ghé thăm ban đầu chỉ ngỏ ý mua với giá thấp. Cuối cùng, anh chấp nhận chịu lỗ 4 triệu đồng để nhượng xe lại cho một người bạn.
Sau chiếc đầu tiên lỗ 4 triệu thì đến chiếc thứ 2, anh lại tiếp tục lỗ 2 triệu đồng. Từ hai chiếc cub này, Khoa đã mạnh dạn thử sức với các xe mới như Bonus, Wolf 125 mà dân trong nghề hay gọi là xe “sói”... Tuy nhiên, dòng xe này khá nặng vốn, xác xe ban đầu đã hơn 35 triệu đồng.
Chiếc xe độ ưng ý nhất trong quá trình độ xe của Duy Khoa. Ảnh: NVCC |
Ban đầu khó khăn nhưng với quyết tâm bám nghề, anh tìm đến những salon làm xe để học, làm quen và xin bí quyết độ xe.
“Một chiếc yên xe muốn đẹp thì bản thân cũng phải chạy vạy rất nhiều tiệm để đặt thử. Sau đó lựa ra tiệm làm chu đáo và tỉ mỉ nhất. Chỉ một đường gọt lệch cũng làm mình cảm thấy “đứa con” của mình bị lỗi”, Duy Khoa cho hay.
Vì không có đủ vốn nên Duy Khoa không có salon riêng nào của mình. Những chiếc xe anh làm hầu hết được “gán” ở những salon quen biết.
Phong trào Café Racer du nhập vào Việt Nam được 3-4 năm gần đây. Nó là cách thay đổi kết cấu của những chiếc xe theo một quy chuẩn nhất định, nhưng vẫn mang "màu sắc" của người độ.
Với những chiếc xe cần nhiều chi tiết thì có lúc Khoa phải chạy liên tục rất nhiều tiệm, như tiệm làm yên da, tiệm sơn mới xe, thậm chí là những salon đổi liên tục để có thể hoàn thành được bộ máy cách tốt nhất.
“Làm độ xe là một nghề may rủi. Có một cái đầu nghệ thuật chưa đủ. Phải có con mắt tinh để nhận ra chiếc xe nào có “tiềm năng”. Chiếc xe mã ngoài nó tàn tạ bao nhiêu không quan trọng, cơ bản là máy phải tốt, ngon”, Duy Khoa chia sẻ.
Những chiếc xe ra đời sau này của Khoa thu hút được rất nhiều người yêu thích. Với những chiếc này, Khoa đều có lời. Tuy nhiên, tiền lời lại đổ trở lại vào những chiếc xe vì tiền cọc để mua xác xe khách chỉ đặt từ 5 – 7 triệu đồng trong khi giá xác xe lại gấp đến 6 lần.
Từ những chiếc Cub hay Wolf ban đầu, Khoa mạnh dạn đầu tư những chiếc xe có phân khối lớn hơn như Honda GB250 hay CB400, CB700... Nhận hàng những chiếc này phải mất thời gian từ 2 – 3 tháng, thậm chí hơn.
Chiếc xe trước và sau khi độ gần đây của Duy Khoa. Ảnh: NVCC |
Mỗi tháng kiếm 50 triệu đồng từ đam mê
Không chỉ mua xe trong tỉnh, Duy Khoa còn gia nhập vào các hội làm xe độ có tiếng như Café Racer Việt Nam, Café Racer Hải Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên... để tìm “nguồn máu” (nguồn xác xe) mới, nhất là những chiếc có phân khối lớn. Khoa phải đến tận nơi, xem xét từng chiếc xe và thử chạy để xem có đủ “chuẩn”. Cũng nhờ thế mà bạn bè Khoa chủ yếu trong lĩnh vực xe độ có khắp mọi nơi, “đến đâu cũng được mọi người giúp đỡ và yêu mến vì chung đam mê”.
Ngoài số tiền bỏ ra để mua xác xe ban đầu (trung bình là 40 – 75 triệu đồng) thì tiền lời kiếm được khoảng 4 – 15 triệu đồng mỗi chiếc.
"Trung bình mỗi tháng kiếm được 45-50 triệu đồng nếu tháng đó không bận rộn. Nhưng số tiền kiếm được cũng dùng để mua xác xe, cũng như đổ vào dự án kinh doanh khác", Duy Khoa cho biết.
Hiện giờ, mỗi tháng Khoa ra lò từ 3 – 4 chiếc, cao điểm có tháng đến 8 chiếc với những mẫu đơn giản. Có tháng còn phải từ chối đến 5 chiếc vì khách đặt hàng nhưng không làm kịp để giao.
“Khách đặt chừng nào phải “vắt chân lên cổ” làm cho kịp để trả hàng nên ngay cả một chiếc xe độ cho riêng mình cũng không có” – Khoa cho hay.
“Làm xe thì vừa cực vừa mệt, ngày chạy nắng chang chang cũng làm được một hai việc cho một chiếc, chưa kể Huế mưa dầm nhiều lúc sơn xe bong tróc đâu dám giao. Vậy là phải gác xe lại qua mùa mưa để đến khi trời hửng mới sơn được”, Duy Khoa cho hay.
Cũng theo Khoa, người làm nghề độ xe còn bị ảnh hưởng bởi nhiều cái, tay dễ bong tróc da vì dầu máy, vì dung môi,... hít phải bụi hàn hay bụi sơn, đôi lúc sẹo cứ chằng chịt cả bàn tay, cẳng chân vì khi cắt các bộ phận xe bị cứa chảy máu. Ngồi sửa xe nguyên ngày nên cứ đứng lên là hoa mắt.
Hội bạn của Duy Khoa có cùng niềm đam mê xe độ. Ảnh: NVCC |
Đôi khi chỉ vì khách yêu cầu độc lạ nên Khoa phải lặn lội sang Campuchia để kiếm “đồ chơi” mới. Vì không có mối quan hệ nên hầu hết Khoa đều phải nhờ đến người Việt ở Campuchia chỉ mối mua hàng.
“Có nhiều lúc tưởng họ dắt đi đâu để lừa tiền rồi ấy chứ nhưng may mà người ta còn thương, chỉ chỗ cụ thể rồi còn cho ăn ở trong mấy ngày “lưu lạc” ở Campuchia”, Duy Khoa chia sẻ.
Mệt nhọc, cực khổ là thế nhưng lời lãi chỉ đủ tiền công. Nảy ra ý định mở thêm quán để vừa trang trải với nghề mà cũng là một nơi để tập hợp những anh em có cùng đam mê, Khoa mở ra một quán cà phê nhỏ, mang hơi hướng vintage, trái ngược với sự mạnh mẽ hầm hố của những chiếc xe đỗ bên ngoài. Giờ những khách hàng đến với quán của Khoa đều là những người mê xe độ, yêu không khí sôi nổi của những cuộc bàn luận về xe độ, về đam mê xe.
Có hai kiểu lựa chọn xe để độ lên Cafe Racer, cách thứ nhất là lựa chọn những dòng xe mới hiện nay phù hợp với kiểu dáng Cafe Race như Ducati hay Triumph – cách này sẽ khiến mọi thứ dễ dàng hơn bởi cải tiến trong công nghệ xe máy ngày nay đã tiến một bước xa so với những năm 70, nó không đòi hỏi bảo trì, bảo dưỡng hay can thiệp sửa đổi quá nhiều để tối ưu hóa tốc độ và độ ổn định trong vận hành được đảm bảo.
Những chi tiết cơ bản của một chiếc xe cần phải được thay đổi là vành xe, lốp xe, phuộc xe (trước và sau), thắng (phanh) xe, cổ xe – tay lái và động cơ. Ngày nay thì cụm từ Cafe Racer được mở rộng hơn và sử dụng để ám chỉ bất cứ chiếc mô-tô nào được phun sơn đen và trang trí ống bọc với phong cách retro (phục hưng).