Trần Thị Vân, Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ khi bị bắt vào tháng 4/2022. |
9 bị cáo phải hầu tòa trong vụ án này gồm: Nguyễn Thị Khương (sinh năm 1965), cựu nhân viên hợp đồng của Trung tâm quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ; Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1977), cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ; Trần Thị Vân (sinh năm 1978), cựu Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ; Phạm Trung Kiên (sinh năm 1984), cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch; Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1984), Nguyễn Đình Hiệp (sinh năm 1976), cựu Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Điện Biên Phủ; Bùi Thị Ánh (sinh năm 1967), Bùi Mạnh Cường (sinh năm 1990), nhân viên Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Điện Biên Phủ; Trần Thị Hoà (sinh năm 1985), viên chức Trung tâm quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ.
TAND tỉnh Điện Biên cũng triệu tập tổng cộng 65 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và 40 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tổng cộng sẽ có 10 Luật sư tham gia bào chữa, trong đó Luật sư Huỳnh Phương Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) và Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) sẽ trực tiếp bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ.
Bị cáo Nguyễn Thị Khương khi bị bắt. |
Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” theo quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật Hình sự và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 356 Bộ Luật hình sự
Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh, Nguyễn Đình Hiệp, Bùi Thị Ánh, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Anh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” theo quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật Hình sự
Trần Thị Hòa bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 356 Bộ Luật hình sự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Điện Biên, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã giao cho Trung tâm Quản lý đất đai chủ trì thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ khi bị bắt. |
Nguyễn Thị Khương được giao làm trưởng nhóm VI thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các đối tượng có đất bị thu hồi, trong đó có diện tích của Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên.
Trong khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh Điện Biên thì Nguyễn Tuấn Anh (khi đó là Phó Chủ tịch thành phố) đã trực tiếp chỉ đạo Trần Thị Vân lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Vân tiếp tục chỉ đạo Khương lập và trình Vân ký báo cáo, tờ trình đề nghị thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ.
Do bị thúc ép nên Khương lấy tài liệu thu thập khi lập phương án đợt 31 mà không thu thập thêm bất cứ tài liệu nào rồi chuyển cho Vân ký duyệt. Bộ phận thẩm định cũng báo cáo việc này với Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ và được chỉ đạo “cho phép trình để ký duyệt”.
Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có tổng vốn đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng. |
Từ tháng 4 – 12/2021, Khương, Vân và Tuấn Anh đã có hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 13 tỉ đồng.
Các bị can Kiên, Mạnh, Hiệp, Ánh gây thiệt hại của Nhà nước gần 7 tỉ đồng. Ngoài ra, Khương, Vân và Hòa còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 267 triệu đồng.