Anh Hồ Xuân Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là một trong 10 cá nhân vừa được nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2021 cho những nhà khoa học trẻ tiêu biểu.
Anh được tôn vinh vì những đóng góp nổi bật của mình ở lĩnh vực Công nghệ môi trường.
Anh Hồ Xuân Vinh (sinh năm 1987, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã sáng chế ra máy lấy sợi tự nhiên và kiếm tiền từ thân chuối. |
Hướng nghiên cứu của anh về các thiết bị vật liệu xây dựng không nung và các loại máy tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tạo ra các loại sợi tự nhiên.
“Hiện, 2 hướng phát triển song song của tôi là các loại vật liệu xây dựng không nung có độ mát cao, các loại bê tông dẻo để tạo ra các sản phẩm thông dụng cho thị trường và các loại sợi tự nhiên, trong đó có sợi chuối, sợi dứa - những loại sợi có thể tận dụng được rất nhiều lượng phế phẩm nông nghiệp tại Việt Nam”.
Anh Vinh chia sẻ đang tập trung hướng đi triển kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm nông nghiệp cũng như các loại công nghệ môi trường. Từ đó, phát triển các sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường, tạo nền kinh tế xanh, tuần hoàn bền vững.
Những sáng chế của anh đã được áp dụng nhiều năm nay trong lĩnh vực vật liệu xây dựng không nung như máy đúc gạch xây, máy đúc gạch lát, máy ép gạch đất đồi. Từ đó giúp giảm thiểu lượng cacbon thải ra môi trường, giảm thiểu lượng than đá hay các loại chất đốt không thể tái sinh.
Máy đúc gạch xây - một trong những sản phẩm sản xuất vật liệu không nung của anh Vinh. |
Ở lĩnh vực sợi, anh mới phát triển thêm 2 năm gần đây với những sáng chế máy tách sợi để sản xuất sợi tự nhiên.
“Thường xuyên tiếp xúc với bà con nông dân nên khi lên vùng bãi bồi sông Lam tôi thấy bà con chỉ thu hoạch quả mỗi năm một lần, còn thân chuối thì được làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là số ít và phần lớn là bỏ đi. Việc này đã lãng phí một lượng thân chuối lớn và là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy bà con cũng mong muốn tìm cách để có thể tận dụng phế phẩm này, tôi đã nghiên cứu phát triển các loại máy tách sợi, se chỉ,... Từ đó thân chuối có thể làm thành sợi; bã thân chuối có thể ép thành những vật dụng như đĩa, bát,... để tái sử dụng. Nước từ thân chuối ép ra rất giàu Kali nên có thể làm thành nước dinh dưỡng để bón lại cho trang trại chuối cũng như cho các loại cây trồng khác. Qua đó giúp bà con nông dân không chỉ tái chế và sử dụng lại những phế phẩm, tạo ra những sản phẩm có giá trị mà còn bớt đi một khoản tiền để mua phân bón”, anh Vinh say sưa nói về hướng đi của mình.
Sáng chế máy lấy sợi từ thân chuối của anh Hồ Xuân Vinh. |
Hiện, máy đã được bán cho các gia đình và các trang trại chuối. Công ty của anh cũng sẽ là đơn vị thu mua lại sợi thành phẩm từ bà con nông dân.
“Trước đây, người dân vẫn dùng sợi chuối để làm vải dù, võng xếp hay các loại sợi cho thời trang. Tuy nhiên khi loại sợi nhựa polyester xâm nhập vào thị trường thì rất cạnh tranh về giá và các công nghệ dệt hiện đại tập trung vào sợi bông, sợi polyester nên các loại sợi tự nhiên như sợi chuối, sợi gai, sợi đay,... dần mất chỗ đứng. Song hiện tại, có một xu hướng quay trở lại các loại sợi tự nhiên".
Nắm bắt được điều này, anh Vinh cũng các cộng sự đã tiên phong trong việc phát triển các công nghệ tách sợi tự nhiên làm nguyên liệu cho các nhà máy dệt và may mặc ở Việt Nam. Anh Vinh cho rằng lượng nhu cầu sẽ rất lớn. “Hiện tại chúng tôi cũng đã phát triển rất nhiều cơ sở và đơn vị liên kết để có thể bao tiêu cũng như tạo nên các sản phẩm sau sợi”.
Như vậy, với hướng sáng chế tái tuần hoàn toàn bộ phần thân chuối của anh Vinh, gần như phần thân chuối không bị bỏ đi bất cứ phần nào, bên cạnh đó giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường tại địa phương, tạo ra các sản phẩm có thể bán được, mang đến giá trị kinh tế cho bà con.
Những sản phẩm từ sợi chuối có thể tạo nên là vải, cuộn chỉ và cả khẩu trang.
Anh Vinh cho rằng đây là một ngành rất tiềm năng. Doanh thu từ việc bán máy tách sợi và sợi chuối chỉ trong thời gian ngắn 2-3 tháng đã thu về từ 500-600 triệu đồng.
Sợi chuối và những sản phẩm được làm nên rất đa dạng từ vải, khẩu trang... |
Ngoài ra, anh Vinh còn sáng chế máy trợ thở di động xách tay - đó là một sáng chế về thiết bị y tế mà anh thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19.
Máy trợ thở xách tay đã có những sản phẩm mẫu, thử nghiệm ở quy mô nhỏ và hiện đang trong quá trình xin giấy phép của Bộ Y tế.
Chuyển từ nghiên cứu các vật liệu không nung sang thiết bị y tế, anh Vinh phải tìm hiểu nhiều lĩnh vực như điện, điện tử, điều khiển, cơ khí.
Song là người từng tốt nghiệp khoa Điện tử của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, anh Vinh không quá khó khăn để tiếp cận. “Hiện những máy móc đã được tự động hóa rất cao và phần thiết bị điện và điều khiển, điện tử đã được chúng tôi phát triển nhiều. Với nền tảng đó khi phát triển các dòng máy lĩnh vực y tế thực chất là điện tử y sinh”.
Tạo công việc và thu nhập cho nhiều người
Anh Vinh cho rằng, một nhà nghiên cứu kỹ thuật thì tỉ mỉ, cẩn thận, nhiều khi theo quy trình cứng nhắc thành ra độ linh hoạt và nhạy bén với thị trường không cao. Vì vậy, kết hợp 2 vai trong một con người là việc khá khó. Song anh nghĩ mình may mắn khi xuất phát từ dân kỹ thuật, từng có thời gian làm việc lâu trong doanh nghiệp khoa học công nghệ và cũng quen với việc đáp ứng đồng thời 2 nhiệm vụ: một là nghiên cứu khoa học, phát triển sáng chế; hai là thương mại hóa các sáng chế.
“Cả 2 nhiệm vụ đều là yếu tố sinh tồn doanh nghiệp nên đòi hỏi tôi phải tự học hỏi, hoàn thiện mình để có thể nhạy bén, linh hoạt hơn trong việc phát triển thị trường”.
Anh Hồ Xuân Vinh (sinh năm 1987, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhận giải thưởng khoa học Quả Cầu Vàng năm 2021. |
Một trong những khó khăn với một doanh nghiệp khoa học công nghệ theo anh Vinh là các sáng chế, giải pháp hữu ích khi ra được thị trường thường chậm hơn so với nhu cầu thị trường. Làm sao để có thể đáp ứng được ngay nhu cầu, trong khi để phát triển một sáng chế hay giải pháp hữu ích mất rất nhiều thời gian. Chớp được cơ hội thị trường để ra được những dòng sản phẩm có thể tiêu thụ được và khách hàng tin dùng không dễ dàng.
Ngoài ra, khi phát triển các sản phẩm chuyên sâu thì cần nhân lực trình độ cao, trong khi, người giỏi thường tìm đến những địa phương phát triển.
"Chưa kể, các sản phẩm sáng chế của Việt Nam thì tính sao chép ở các đối thủ cạnh tranh rất mạnh, thậm chí khi ra chưa chiếm lĩnh được thị trường đã bị sao chép” - anh Vinh nhận định.
Cách giải quyết theo anh Vinh là phải liên tục cải tiến sản phẩm của mình để có thể luôn đi trước đối thủ và dẫn dắt thị trường, nhu cầu của khách hàng.
“Việc cải tiến này có kế hoạch chứ không phải theo ngẫu hứng. Công ty chúng tôi quy định 3 tháng phải có cải tiến nhỏ và 1 năm phải có cải tiến lớn trong một sản phẩm”.
Hiện tại, công ty của anh quản lý cũng tạo công ăn việc làm cho hơn 60 người. Mức thu nhập từ 12 đến 15 triệu mỗi tháng, thậm chí cũng có những lao động có thu nhập lên đến 20 triệu đồng/tháng.
Ảnh: Thanh Hùng. |
Anh Vinh cho rằng việc giành giải thưởng Quả Cầu Vàng là một sự động viên, khích lệ giúp anh vững vàng hơn trong việc phát triển các sáng chế, các giải pháp hữu ích cho những lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.
“Tôi rất hạnh phúc và tự hào bởi đây là giải thưởng rất đặc biệt trong quá trình hoạt động vừa là nhà khoa học vừa là nhà doanh nghiệp của mình. Thật sự rất khó để đạt được bởi giải thưởng Quả Cầu Vàng thiên về vấn đề nghiên cứu nhiều hơn. Do đó, đây là một sự ghi nhận rất lớn của các cấp và nhà nước dành cho tôi. Giải thưởng sẽ giúp tôi tự tin hơn và cũng là bệ đỡ để giúp tôi phát triển thêm các sản phẩm khác hữu ích hơn cho xã hội”.