“Sinh con xong là những ngày tháng ăn uống, bỉm sữa, mức lương từ công việc thợ xây vất vả của chồng không đủ, nhiều khi phải chạy ăn từng bữa khiến tôi đưa đến quyết định phải khởi nghiệp để đỡ chồng một chút về kinh tế”.
Đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Hằng (SN 1988), trú tại thôn Tuy Lai, xã Minh Khai, huyện Hưng Hà (Thái Bình) về quyết tâm khởi nghiệp để chấm dứt chuỗi ngày chạy ăn từng bữa, có được mức lương cả nghìn đô/tháng và có thể mua được mảnh đất đầu tiên sau 2 năm khởi nghiệp.
Chị Hằng cho biết, trước đây, chị chỉ là một công nhân làm việc tại một xưởng may tư nhân. Đi làm nhưng không có bất kì chế độ gì, bảo hiểm xã hội cũng không được công ty đóng cho, thu nhập chỉ 4-5 triệu/tháng nên làm đến đâu chi tiêu hết đến đó.
“Khi nghỉ sinh con, tôi không hề có chế độ thai sản. Một nách 2 con, thu nhập không có nhưng chi tiêu ăn uống, bỉm sữa, đối nội, đối ngoại vẫn phải chi. Chồng tôi thì làm phụ hồ, nắng mưa thất thường, buổi làm buổi không với mức thù lao 150 nghìn đồng/ngày”, chị Hằng kể.
Nhìn chồng vất vả lo cho gia đình 4 người, với suy nghĩ phải làm gì đó để đỡ đần chồng về kinh tế, chị Hằng quyết định thử kinh doanh online khi con mới 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, không có đồng vốn nào trong tay, chị phải mượn chị gái chồng 15 triệu đồng để nhập mỹ phẩm về bán.
Có những tháng ngày chị Hằng phải vừa ôm con vừa chốt đơn, bán hàng để kiếm thêm thu nhập.
Sau khi nhập các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho phụ nữ về bán, chị vừa bế con còn ẵm ngửa vừa lao vào học hỏi về kiến thức sản phẩm, cách tư vấn và chia sẻ với khách hàng vừa chốt đơn hàng.
“Chồng tôi đi làm xa nhà, khi có khách mua hàng thì phải đóng gói rồi 3 mẹ con đèo bồng nhau đi gửi, đi ship. Nhiều hôm xe hàng về trong đêm phải bỏ con nằm đó, lấy xe ra đường chở hàng. Vất vả vô cùng nhưng mỗi tháng cũng kiếm thêm được vài triệu đồng”, chị Hằng nói.
Khi con được 2 tuổi, cứng cáp hơn, với sở thích nấu nướng của mình, chị thử làm những món ăn handmade tại nhà để bán và nhận thấy khách hàng rất thích thú với những món ăn liên quan đến tạo màu tự nhiên từ lá cây. Vì vậy, chị quyết định triển khai món xôi ngũ sắc và món bánh trôi, bánh chay ngũ sắc.
Chị Hằng đã khởi nghiệp với những món ăn đầy màu sắc từ căn bếp của mình.
“Để tạo màu sắc tự nhiên thì tôi làm màu vàng lấy từ quả dành dành, màu tím từ cây cẩm tím, màu xanh dương từ hoa đậu biếc, màu đỏ từ cây cẩm đỏ hoặc gấc, màu xanh lá là sự kết hợp tỷ lệ pha trộn 50/50 giữa màu vàng của dành dành và hoa đậu biếc tạo nên”, chị Hằng phân tích.
Chỉ với món ăn dân dã nhưng luôn làm với cái tâm của mình, chị Hằng chọn nguyên liệu chuẩn, sạch, một mình làm đủ các khâu, từ vài đơn đặt hàng nhỏ lẻ, chị bắt đầu nhận được hàng trăm đơn mỗi ngày.
Từ vài đơn hàng/ngày, chị Hằng đã nhận được hàng trăm đơn hàng và có mặt ở 10 tỉnh thành trong cả nước.
“Con cái khi ấy tôi nhờ bố chồng trông giúp, một mình làm hết các khâu, nhiều khi thức thâu đêm không ngủ. Đơn chồng đơn, có ngày lên tới 400-500 đơn khiến tôi quá tải, phải bỏ đi mất 1 mẻ vì không căn chuẩn thời gian hấp”, chị Hằng kể.
Sau lần đó, chị đã rút ra được kinh nghiệm để làm chuẩn hơn, thuê thêm người làm, đầu tư máy sên nhân, máy nhồi bột… cho món bánh trôi, bánh chay giúp giảm bớt sức người.
Ngoài xôi ngũ sắc, chị Hằng còn làm các món chè, bánh trôi, bánh chay ngũ sắc.
Với giá bán lẻ xôi ngũ sắc là 85 nghìn đồng/set, nặng 1,2-1,3kg gồm 6 chiếc đủ màu, hiện tại, sản phẩm xôi tam sắc, tứ sắc, ngũ sắc, lục sắc của chị đã đổ sỉ ở 10 tỉnh thành trong cả nước.
Vừa bán xôi ngũ sắc vừa kết hợp với bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỗi tháng, chị Hằng có thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng đã chuyển sang mặt hàng sơn và trở thành quản lý thị trường của một doanh nghiệp sơn tại 3 tỉnh thành khu vực miền Trung.
Màu sắc chị Hằng sử dụng cho món xôi đều là màu tự nhiên lấy từ các loại lá cây.
Sau 3 năm, nhờ nỗ lực, chị Hằng vừa có thể chăm sóc con cái một cách tốt nhất vừa có thu nhập gấp nhiều lần số tiền lương công nhân ít ỏi trước đây. Hai vợ chồng chị cũng tích cóp mua được mảnh đất rộng 152m2.
“Tôi luôn nghĩ rằng, không ai chết chìm trong những giọt mồ hôi nhưng lại chết đuối trong sự lười biếng. Mình cứ làm, cứ trau dồi, cố gắng thì ắt một ngày sẽ nhận được kết quả tốt. Có được cuộc sống như hiện tại tôi cũng phải cảm ơn những ngày tháng phải chạy ăn từng bữa ấy, đó chính là lí do để tạo động lực cho tôi cố gắng”, chị Hằng tươi cười nói.