Người hay ý kiến
Biết nêu ý kiến, quan điểm là một việc tốt. Nhưng đôi khi một số người hành động như thể, ý kiến của họ là thứ quan trọng nhất. Kiểu người này thường vượt khỏi ranh giới, đưa ra lời khuyên, góp ý dù không ai hỏi họ.
Đặc biệt, họ hiếm khi xem xét cảm xúc của người khác hay nghĩ đến việc ý kiến của họ có thể khiến người đối diện tổn thương. Họ thường lấy lý do muốn tốt cho người khác nhưng thực ra, việc liên tục nêu quan điểm bản thân chỉ để nâng cái tôi của họ lên. Vì thế, nếu có thể, bạn nên giữ khoảng cách với những kiểu người này.
Người hay nghi ngờ
Có những người luôn thấy không hài lòng với mọi thứ và luôn nhìn mọi việc theo chiều hướng tiêu cực. Đằng sau thái độ hay nghi ngờ của họ không phải là khả năng phân tích một cách có lý trí, mà chỉ đơn giản là nỗi sợ thất bại. Họ ngại thay đổi và luôn nghi ngại trước bất cứ ý tưởng mới nào mà người khác đề xuất.
Đây là một kiểu người tiêu cực mà những người thành công luôn muốn tránh xa. Họ không đưa ra được ý kiến đóng góp mà thường hướng người khác đến những suy nghĩ tiêu cực và truyền sự tiêu cực ấy sang người nghe.
Những người như vậy thường không khó nhận biết: bạn luôn cảm thấy chán nản và tràn đầy suy nghĩ tiêu cực sau khi tiếp xúc với họ. Cách tốt nhất là giữ khoảng cách và đừng để họ truyền năng lượng tiêu cực sang cho bạn.
"Bà chúa" suy diễn
Khi nói chuyện với những "drama queen" chính hiệu, người đối diện sẽ phải gò ép bản thân, cẩn thận lời ăn tiếng nói để không làm tổn thương họ. Chưa kể, khi bạn bị kéo vào những bi kịch dài tập đó, bạn sẽ thấy bản thân cần phải làm gì đó để giúp họ giải quyết vấn đề. Nếu không giúp được gì, bạn sẽ lại tự trách bản thân mình là người vô dụng.
Người hay ghen tị
Khi bạn đạt được thành công, bạn không thể tránh được những kẻ nảy sinh lòng ghen tị với bạn. Những người như vậy thường có chung khát khao thành công giống như bạn. Nhưng thay vì nỗ lực làm việc, họ dành thời gian để so sánh bản thân với người khác và cảm thấy bất công cho chính mình khi nhìn thấy mọi người xung quanh tốt hơn họ.
Có thể họ sẽ nói xấu sau lưng bạn. Có thể họ sẽ ngáng đường bạn thăng tiến. Cũng có thể, họ sẽ ganh đua với bạn một cách công khai. Dù có thể nào đi chăng nữa, cách tốt nhất để giao tiếp với loại người này là phớt lờ họ. Hãy tập trung vào công việc của bạn và đừng phí sức để đối phó với những người này. Bản thân họ đã tự kéo họ xuống bởi lòng đố kị và ganh ghét rồi.
Người thích đeo bám
Khi bạn đạt được những thành tựu nhất định, xung quanh bạn sẽ xuất hiện một số người thích đeo bám - theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Họ luôn tán dương ý kiến của bạn, luôn muốn tham gia cùng bạn trong mọi dự án. Họ luôn gắn bó công việc của mình với công việc của bạn. Đối với họ, nếu bạn thành công thì họ muốn một phần của thành tựu ấy cũng thuộc về họ. Đối với kiểu người này, cẩn thận xem xét và giữ một khoảng cách an toàn là lựa chọn đúng đắn nhất bạn nên làm.
Người không ổn định về cảm xúc
Sự ổn định về cảm xúc không đơn thuần chỉ là cảm xúc cá nhân mà còn thể hiện khả năng đáng tin cậy hay không. Những người không ổn định về cảm xúc thường có tâm lý thất thường, giống như "quả bom hẹn giờ", sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào.
Những người không ổn định về mặt cảm xúc cũng chẳng bao giờ thừa nhận khi họ sai. Đó không chỉ là dấu hiệu của một người không kiểm soát được cảm xúc, mà còn là dấu hiệu của một tình bạn không tốt đẹp.
Tử tế với người ngoài và nóng nảy với người nhà
Làm thế nào để biết được nhân phẩm chân thực nhất của một người? Rất đơn giản, hãy nhìn vào thái độ cư xử của họ trước người nhà. Bởi trước mặt người nhà, họ sẽ tháo bỏ tất cả mặt nạ ngụy trang, thể hiện bản chất chân thực nhất của mình.
Những kẻ sĩ diện, thích lấy lòng người ngoài để được tán thưởng, thường không cử xử tốt với những người thân xung quanh họ. Năng lượng tích cực họ đã sử dụng hết với người ngoài, còn khi đối mặt với người nhà, họ chỉ còn năng lượng tiêu cực và bản tính cục cằn.
Một người mà ác khẩu với người nhà nhưng lại nhã nhặn trước người ngoài, thì cần phải đặt dấu hỏi lớn về nhân phẩm của họ.