Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc về quy định pháp luật, đặc biệt là quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở.
Theo HoREA, 2020 là một năm đầy sóng gió, gian nan và thách thức đối với nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Trong đó, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những khó khăn vốn có của thị trường bất động sản cả nước và TP HCM vốn đã gặp phải trong 5 năm gần đây.
Theo HoREA, chỉ riêng năm 2020, Sở Xây dựng TP đã chuyển 61 dự án sang Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư nhưng không có dự án nào được Sở trình UBND TP. Lý do được chỉ ra là vướng mắc về dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẽ các thửa đất do Nhà nước quản lý trong dự án).
HoREA còn chỉ ra có dự án dù không vướng đất công, nhưng nhà đầu tư “được” Sở KHĐT yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần. Đến nay, Sở vẫn chưa trình UBND TP HCM để ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án, làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Hiệp hội cho rằng hiện nay, các vướng mắc này đã được Luật Đầu tư 2020, Nghị định 148 của Chính phủ xử lý. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Sở KHĐT sớm giải quyết các hồ sơ dự án đã được Sở Xây dựng chuyển đến để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Do Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Nghị định 148 của Chính phủ đã có hiệu lực và đã có cơ chế xử lý, giải quyết được nhiều vướng mắc về “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư”; về dự án đầu tư có quỹ đất hỗn hợp; về cơ chế xử lý các thửa đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư... Hiệp hội đề nghị UBND TP HCM xem xét, sớm ban hành Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại, gồm 4 bước.
Hình minh họa. |
Bước 1 là lập thủ tục Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
Bước 2 là lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Bước 3 là thực hiện song song và nối tiếp liên tục các thủ tục hành chính sau đây:
Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư; Thẩm định thiết kế cơ sở; Cấp Giấy phép xây dựng và được khởi công xây dựng công trình; Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính và chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất.
Bước 4 là lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư; Cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho khách hàng mua nhà trong dự án nhà ở thương mại.
Hiện nay, theo Báo cáo tổng hợp của Sở Xây dựng thì tổng thời gian thực hiện trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là 247 ngày làm việc, tương đương 50 tuần, tương đương 1 năm, không tính ngày nghỉ lễ, Tết.
Tổng thời gian trên đây chưa bao gồm thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Văn phòng UBND TP, Cục Thuế (do các cơ quan này chưa có báo cáo). Để thực hiện đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, một cửa liên thông, Hiệp hội đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xác định thời gian thực hiện các bước (nêu trên).
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, với nhiều quy định mới tháo gỡ được nhiều vướng mắc của các dự án đầu tư, dự án nhà ở.
Theo HoREA, riêng tại TP HCM, quy định mới của Chính phủ sẽ giúp giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các phần đất do Nhà nước quản lý, nằm xen kẽ trong 126 dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Các dự án này hầu hết đang bị ngừng triển khai, có thể tái khởi động, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.