Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo. |
Mức mất giá 4,4% là thấp
Sáng 23-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm. Tại họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm được điều hành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.
NHNN đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp, trong trường hợp cần thiết sử dụng các biện pháp mạnh bán ngoại tệ bảo đảm vừa giữ tỷ giá ở mức hợp lý, mức mất giá khoảng 4,4%, thấp hơn so với nhiều nước.
Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường vàng có nhiều biến động. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/lượng. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Tính đến ngày 28-6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tập trung vào các động lực tăng trưởng, đáp ứng xu hướng mới, trong đó có tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Nợ xấu có xu hướng tăng
Cũng tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết nợ xấu ngân hàng đang là vấn đề đáng quan tâm. Tất cả các khoản nợ xấu gồm nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn khoảng 6,9%.
Phó Thống đốc khẳng định: “Nợ xấu của toàn nền chứ không phải chỉ yếu kém của ngành ngân hàng. Tất nhiên có những khoản, ngân hàng không đánh giá hết hiệu quả vốn vay của doanh nghiệp. Chúng tôi công khai con số nợ xấu để thấy trách nhiệm chung của ngân hàng và của người vay. Bởi đó là tiền của người dân".
Ông Tú cho biết NHNN sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới cũng như trích lập dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.
Chia sẻ thêm về tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng, ông Nguyễn Đức Long - Phó Chánh Thanh tra giám sát NHNN cho biết, nợ xấu phản ánh hoạt động doanh nghiệp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Cơ quan thanh tra sẽ tham mưu lãnh đạo NHNN theo dõi chặt việc sử dụng vốn vay theo cam kết, theo dõi xử lý nợ xấu phát sinh. Yêu cầu các ngân hàng thành lập ban chỉ đạo ban xử lý nợ xấu, quy trách nhiệm cá nhân. Theo Đề án 689, ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2025 xuống dưới 3%. Đề án đã được các tổ chức tín dụng phê duyệt, triển khai. Cơ quan thanh tra sẽ kiểm tra giám sát tiến trình này để đảm bảo việc xử lý nợ xấu đúng mục tiêu đề ra.
Phó Thống đốc cho biết trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại, kể cả những ngân hàng hiện nay được cho là nhỏ, được giám sát tăng cường, ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt cũng đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Ba ngân hàng "0 đồng" đã hoàn thành định giá và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt những khâu cuối cùng.
Hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu mới
Để ổn định và kiểm soát thị trường 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính sau:
- Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
- Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
- Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, tạo cơ sở, căn cứ pháp lý để phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn.