Tỷ phú Chính Chu - “Người đàn ông đáng gờm" của phố Wall
Trong giới đầu tư tài chính Mỹ, Chính Chu là một cái tên vô cùng quen thuộc mà mỗi khi nhắc đến mọi người phải kiêng nể.
Tỷ phú gốc Việt Chính Chu (1966) sinh ra ở Việt Nam và đến Mỹ năm 8 tuổi. Tại đây, ông vừa học vừa đi bán sách lẻ và giao hàng tận nhà. Dù có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo - một trường công tại New York (Mỹ) nhưng 15 lá đơn xin việc của ông đều bị từ chối vì ngôi trường này không có danh tiếng.
Tỷ phú Chính Chu. Ảnh: Internet |
Năm 1990, ông Chính Chu “đầu quân” cho tập đoàn tài chính Blackstone. Dưới sự tư vấn của Chính Chu, Tập đoàn Đầu tư tài chính Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ Đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD.
Năm 2004, Blackstone thực hiện vụ mua lại lớn nhất lịch sử châu Âu khi nắm quyền kiểm soát Tập đoàn Hóa chất Celanese của Đức. Thương vụ này được đánh giá là nhờ những nỗ lực thương thảo và hiểu biết của vị tỷ phú gốc Việt.
Năm 2007, tỷ phú Chính Chu được nhiều tờ báo chú ý khi chi 34,3 triệu USD mua trọn tầng 89, một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower, khiến tỷ phú Donald Trump "nóng mặt".
Đặc biệt, tỷ phú Chính Chu khiến phố Wall phải kiêng nể khi trở thành “đạo diễn” cho kế hoạch thu mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD.
Tỷ phú Hoàng Kiều
Dù không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes nhưng ông Hoàng Kiều một thời được biết đến là tỷ phú Mỹ gốc Việt đình đám.
Tỷ phú Hoàng Kiều sinh năm 1944 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, di cư sang Mỹ năm 1975 và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ). Trước khi ra kinh doanh riêng, ông từng có 5 năm làm việc cho Abbott.
Ông Hoàng Kiều là Phó chủ tịch hãng sản xuất huyết tương Shanghai RAAS Blood Products.
Năm 2015, ông Hoàng Kiều lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes. Tới cuối tháng 9/2015, tỷ phú Hoàng Kiều sở hữu 3,8 tỷ USD và là gương mặt nổi bật trong số các tỷ phú mới nổi tại Mỹ.
Tỷ phú Hoàng Kiều. Ảnh: Forbes |
Thành công của tỷ phú Hoàng Kiều là kết quả của quá trình làm việc cật lực hơn 20 năm tại Mỹ và cũng chừng ấy thời gian vận hành Shanghai RAAS tại Trung Quốc.
Trước khi IPO, RAAS đã là một doanh nghiệp nổi tiếng, từng lọt top 200 doanh nghiệp vốn hóa dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2012. Tỷ phú Hoàng Kiều cũng từng 3 lần được nhận danh hiệu doanh nhân tiêu biểu của Mỹ và là “công dân danh dự” của chính quyền Thượng Hải.
Tỷ phú công nghệ Trung Dũng
Trung Dũng (sinh năm 1967) là một lập trình viên và sau đó trở thành tỷ phú người Mỹ gốc Việt. Năm 1984, ông đặt chân đến Mỹ với chỉ 2 USD trong tay cùng vốn tiếng Anh ít ỏi.
Tỷ phú công nghệ Trung Dũng. Ảnh: Internet |
Ông cùng với mẹ trải qua thời gian mưu sinh vất vả nơi đất khách, quê người. Thế nhưng, ông không từ bỏ việc học của mình tại đại học Massachusetts. Trong vòng 3 năm, ông đã lấy được 2 bằng đại học cử nhân (Bachelor) về Toán học ứng dụng và Khoa học máy tính, đồng thời hoàn thành 90% chương trình đào tạo thạc sĩ.
Sau khi ra trường, ông Dũng làm kỹ sư tại công ty Open Market và phát triển các phần mềm thương mại trên Internet.
Năm 1995, ông thành lập công ty On Display, tập trung vào nghiên cứu và phát triển chương trình giúp kiểm soát và quản lý doanh nghiệp trực tuyến. Đến năm 2000, công ty được ông bán lại với giá 1,8 tỷ USD.
Năm 2005, ông thành lập và giữ vị trí giám đốc điều hành tập đoàn V-Home Group, gồm những doanh nhân người Mỹ gốc Việt thành đạt muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Triệu Như Phát - tỷ phú nghèo biến giấc mơ Mỹ thành hiện thực
Triệu Như Phát sinh ra tại Hải Phòng. Năm 7 tuổi, ông theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống.
Năm 1975, ông cùng vợ sang Mỹ định cư. Nhờ có vốn tiếng Anh, ông dễ dàng tìm được công việc bán máy hút bụi tại California. Thế nhưng, với đam mê làm giàu sẵn có, ông quyết tâm khởi sự kinh doanh cho riêng mình.
Tỷ phú bất động sản Triệu Như Phát. Ảnh: Internet |
3 năm sau khi đặt chân lên đất Mỹ (năm 1978), ông chính thức khởi sự kinh doanh ngành bất động sản tại California khi thành lập Công ty Bridgecreek. Nhận ra người dân châu Á, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào nhập cư vào Mỹ gia tăng nhanh chóng, ông Phát đã lên ý tưởng xây dựng Little Saigon - "một thị trấn nhỏ của Việt Nam" để không chỉ phản ánh văn hóa và thương mại, mà còn đại diện cho câu chuyện về “giấc mơ Mỹ” của những người nhập cư.
Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đã đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (còn mang tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ.
Năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là một quỹ trực thuộc Nhà Trắng chuyên hỗ trợ trao đổi giáo dục Việt - Mỹ, từng cấp học bổng cho hàng trăm trí thức Việt Nam sang Mỹ để tu nghiệp, học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Sau đó, ông trở thành Giám đốc của VEF.
Trần Đình Trường - Tỷ phú người Việt nổi tiếng ở New York
Ông Trần Đình Trường (1932), quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ông từng được biết đến là chủ nhân của nhiều khách sạn tại New York (Opera, Kenmore, Carter, Lafayette). Ông cũng từng là một trong những người Việt giàu nhất thế giới với khối tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD.
Tên tuổi của ông Trần Đình Trường gắn liền với khách sạn Opera, khách sạn Carter, cũng như khách sạn sang trọng Lafayette ở Buffalo, New York.
Năm 2014, ông Trần Đình Trờng được trao Giải Đuốc Vàng ở Washington DC, giải thưởng vinh danh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Mỹ. Ông cũng nằm trong Hội đồng quản trị của United Way of New York City.
Năm 2007, ông Trần Đình Trường gặp phải vấn đề về sức khỏe, sau đó ông bị đột quỵ. Năm 2012, ông đã qua đời ở tuổi 81.