Khởi đầu là một phong trào tự phát, không có lãnh đạo nhưng cuộc biểu tình của những người "áo khoác vàng" đã bước sang tuần thứ 4 liên tiếp, làm gián đoạn giao thông và nhiều hoạt động kinh doanh ở Pháp, đặc biệt là Paris. Những hình ảnh hỗn loạn từ Paris được phát đi cả thế giới cũng phần nào đó cho thấy những vấn đề ở Pháp là có thật.
Chính phủ Pháp đã xuống nước và quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế môi trường đối với nhiên liệu, nhưng việc dầu diesel tăng giá, mặc dù là "mồi lửa" làm bùng lên sự giận dữ, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất khiến những người biểu tình đổ ra đường.
Những yêu cầu của họ hết sức đa dạng, từ cụ thể như việc tăng trợ cấp cho người nghỉ hưu, cho đến hết sức mơ hồ như kêu gọi sự sụp đổ chủ nghĩa tư bản.
Thành phần của những người "khoác áo vàng" hết sức đa dạng, từ trẻ đến già và đến từ khắp nơi trên nước Pháp. Ảnh: AFP. |
Người trẻ thất nghiệp
Tim Viteau, một bồi bàn 29 tuổi vừa mới thất nghiệp cho biết anh và bạn gái dự định sẽ dọn đồ và chuyển về ở với cha mẹ, sau khi không thể trả tiền thuê nhà nữa.
"Giống hệt như hồi chúng tôi 16 tuổi vậy", Tim nhật xét sau khi đi nhờ xe từ Lyon lên Paris để tham gia cuộc biểu tình trong tuần thứ 3 liên tiếp.
Người đàn ông này nói một cách hóm hỉnh: "Chúng tôi đang sống bằng trợ cấp, ngành dịch vụ lớn nhất ở Pháp".
Trong khi trò chuyện với một cặp đôi khác, Tim hỏi họ: "Làm sao các bạn có thể nuôi con được vậy? Tôi cũng muốn có con, nhưng tôi chỉ có thể dự tính chi tiêu trong 4 tháng tiếp theo".
Người già khó khăn
Bà Sylvia Paloma là một trong số 2.000 người tham gia biểu tình ở thành phố cảng phía nam Marseille.
Cũng giống như những người nghỉ hưu khác tham gia phong trào Áo vàng, bà Paloma xuống đường thể hiện sự phản đối với Tổng thống Macron vì những chính sách khiến bà phải chi nhiều tiền hơn từ khoản lương hưu ít ỏi.
"Ở tuổi này mà vẫn phải đi cầu xin, thật là điên rồ", người phụ nữ 70 tuổi nhận xét.
Với một chiếc mũ truyền thống cách mạng Pháp màu đỏ trên đầu, bà Paloma xuống phố với một chiếc áo phản quang, sau lưng bà có dòng chữ: "Macron, từ chức đi, đừng trở thành kẻ ngốc".
Bà Paloma cũng nói rằng đây là lần đầu tiên trong đời bà đi biểu tình. Mức lương hưu dành cho một người từng làm công chức nhà nước như bà chỉ là 1.248 euro/tháng và người phụ nữ này nói bà đang phải nhờ cậy đến những đứa con của mình.
Doanh nghiệp nhỏ vật lộn
Ông Hubert Bertrand, 53 tuổi và đang điều hành một công ty xây dựng nhỏ, cho rằng thuế và các khoản chi an sinh xã hội ở Pháp là cao nhất châu Âu và điều đó khiến ông không thể tăng lương cho nhân viên của mình.
Ông Bertrand nhận định: "Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã quá xa rời thực tế, chúng ta nên để những doanh nhân, chủ cửa hàng và nghệ nhân điều hành đất nước".
Ông chủ công ty xây dựng cũng cho biết ông đã không còn đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử gần đây.
Những người biểu tình cảm thấy họ đang bị bỏ quên bởi chính phủ Pháp cùng giới tinh hoa Paris và việc mặc chiếc áo phản quang màu vàng chính là cách thể hiện mong muốn được nhìn thấy của họ. Ảnh: Reuters |
Những người phản đối chủ nghĩa tư bản
Cùng thời điểm đó ở Paris, ngay cạnh nhà hát thành phố, có một nhóm đang kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa tư bản.
"Đau thương đang chảy ra từ Paris", nhóm này hát lên. Trưởng nhóm là Alice, một phụ nữ 31 tuổi, cô này cho rằng: "Đây không phải là vấn đề của chính phủ mà là vấn đề của một hệ thống chính trị tư bản và thiên tả".
Nhóm này tham gia cuộc biểu tình ở Paris với biểu ngữ: "Công bằng xã hội hoặc chiến tranh!".
Alice đến từ vùng Aveyron ở phía nam nước Pháp và làm điều phối viên ở một trại hè, cô có vẻ không quan tâm lắm đến sự thật là phong trào "áo khoác vàng" bao gồm cả những người cánh hữu và những người cánh tả.
"Tôi không quan tâm bạn đứng về bên nào, nhưng chúng ta cần xây dựng một phong trào chính trị cho tất cả mọi người, chúng ta cần liên đoàn kêu gọi đình công", Alice chia sẻ với phóng viên AFP.
Nhân viên y tế không đủ sống
Lydie Bailly, một nhân viên y tế 48 tuổi đến từ thị trấn miền trung Vierzon cũng cho rằng Tổng thống Macron đang hiểu biết quá ít về đời sống của người dân bình thường.
"Chúng tôi đã không được tăng lương trong 10 năm rồi, thật không thể chịu nổi. Chúng tôi không thể tiếp tục vật lộn nữa, thật sự không thể", bà Bailly chia sẻ.
Quá khứ làm việc trong một ngân hàng đầu tư của ông Macron và một chuỗi những phát ngôn thể hiện sự xa cách với tầng lớp lao động đã khiến tổng thống Pháp bị chỉ trích dữ dội.
Rất nhiều người biểu tình trích dẫn việc điện Elysees đặt mua một bộ đồ sứ trị giá 500.000 euro, qua đó bày tỏ sự phản đối trước sự xa hoa của ông Macron.
Bà Bailly muốn một lãnh đạo giống như Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sống trong một căn hộ bình dân ở Berlin. "Bà ấy di chuyển bằng tàu và máy bay thương mại chứ không phải phi cơ riêng", bà Bailly nhận xét.