Kể từ khi điện thoại thông minh xuất hiện, nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống con người. Điện thoại thông minh giúp con người tiếp cận thông tin nhanh hơn, mọi giao dịch trở nên nhanh chóng hơn, đồng thời cũng làm thay đổi cách con người kết nối và tương tác hàng ngày.
Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng đi kèm với nguy cơ tiềm ẩn. Quyền riêng tư của mỗi người từ dữ liệu cá nhân, tin nhắn, hình ảnh và thậm chí cả những bí mật sâu kín nhất, đều có thể bị lộ ra nếu không cẩn thận.
Ảnh minh họa. |
Thậm chí, chính điện thoại thông minh cũng trở thành nguồn cơn phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Theo Gvm, một cuộc khảo sát tiết lộ rằng 2/3 số người tham gia thừa nhận rằng đã từng "đột nhập" vào điện thoại của người kia mà không xin phép, bao gồm các tin nhắn văn bản hoặc mạng xã hội.
Một cuộc khảo sát khác với 1.600 người Mỹ từ 15 đến 55 tuổi cho thấy 48% phụ nữ và 31% nam giới cho rằng việc xem trộm điện thoại di động là được. Phần còn lại cho rằng việc nhìn lén điện thoại di động là không thể chấp nhận được.
Trong số những người cho biết từng xem trộm điện thoại của đối phương có 43% số người không tìm thấy bằng chứng ngoại tình nhưng có tới 38% cặp đôi cãi nhau hoặc chia tay vì lừa dối qua điện thoại di động.
Vì sao các cặp đôi muốn xem trộm điện thoại của nhau?
Tirrell DeGannes, một chuyên gia tâm lý học lâm sàng, cho biết việc muốn xem điện thoại của đối tác chủ yếu xuất phát từ vấn đề "niềm tin". Khi niềm tin bị lung lay, nghi ngờ sẽ nảy sinh. Đôi khi, hành động nhìn lén điện thoại là biểu hiện không ý thức của sự mất niềm tin.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng niềm tin là nền tảng cực kỳ quan trọng cho mọi mối quan hệ. Việc kiểm tra điện thoại của nửa kia có thể là dấu hiệu cho thấy cả hai chưa đủ sự tin tưởng lẫn nhau.
Tò mò là bản năng tự nhiên, nhưng khi hành động này trở nên cố ý, nó chứng tỏ sự không tin cậy. Mỗi cá nhân có thể có lý do riêng để không tin tưởng đối phương, tuy nhiên, nếu đúng là như vậy, cần phải xem xét lại chất lượng mối quan hệ.
Ngoài ra, cảm giác bất an và lòng tự trọng thấp cũng là những nguyên nhân dẫn đến hành vi muốn xem trộm điện thoại của người khác. Những người có hành vi này thường cảm thấy không chắc chắn về mối quan hệ của mình, có thể do họ từng bị lừa dối hoặc đối tác có quá khứ không rõ ràng.
Hậu quả khi xem trộm điện thoại của bạn đời
Các bác sĩ tại Thrive Centre, một trung tâm tư vấn tâm lý, nhấn mạnh: “Việc nhìn lén điện thoại của bạn đời không bao giờ là giải pháp đúng đắn. Việc làm này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngay cả khi không tìm thấy bằng chứng ngoại tình, việc quyền riêng tư bị xâm phạm cũng sẽ mở cửa cho những mâu thuẫn và đôi khi đổ vỡ niềm tin lẫn nhau”.
Chuyên gia Tirrell DeGannes nhấn mạnh, khi phát hiện đối phương kiểm tra điện thoại của mình, những cuộc tranh luận giữa quyền riêng tư và sự tin cậy sẽ nổ ra làm rạn nứt mối quan hệ.
Thậm chí, nhiều người còn bảy sinh tâm lý muốn tránh né và giữ khoảng cách với bạn đời không phải vì bản thân làm sai mà do không chịu được thái độ tò mò, soi xét của đối phương. Lâu dần, điều này chỉ khiến cả hai xa cách và hủy hoại hôn nhân.
Đôi khi cũng có nhiều người xem điện thoại của đối phương không phải vì nghi ngờ ngoại tình. Họ có thể nghĩ rằng biết nhiều về đối phương và các mối quan hệ xung quanh người đó sẽ giúp ích cho mối quan hệ. Tuy nhiên, dù thân thiết đến đâu, các cặp đôi cũng nên giữ sự riêng tư, tò mò quá mức sẽ chỉ dẫn đến tác dụng ngược.
Niềm tin là nền tảng cho mọi mối quan hệ
Nếu một trong hai nghi ngờ đối tác của mình ngoại tình, thì thường sẽ có những phương pháp tốt hơn để tìm hiểu sự thật thay vì lén lút kiểm tra điện thoại của họ. Dù đó là do ghen tuông hay lo lắng, việc trực tiếp đối mặt với những bất an và nghi ngờ của bản thân sẽ là cách tiếp cận lành mạnh hơn nhiều so với việc xem trộm điện thoại.
Sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau nên được xây dựng trên cơ sở giao tiếp cởi mở và tích cực. Khi có bất cứ lo lắng, khúc mắc trong cuộc sống hôn nhân, hãy cùng ngồi xuống chia sẻ thẳng thắn, thay vì làm những hành động có thể gây tổn thương cho đối phương.
(*Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại).