Ngày 12/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trao đổi thông điệp chúc mừng nhân dịp hai nước kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị. Hai lãnh đạo mong chờ cuộc gặp gỡ chính thức tại Trung Quốc vào cuối năm nay, dù thời gian cụ thể chưa được quyết định.
Trong khi đó, hãng thông tấn Nikkei (Nhật Bản) đưa tin lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu soạn thảo tài liệu chính trị mới nhằm hướng dẫn quan hệ Trung - Nhật.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trải qua nhiều sự thăng trầm từ khi hai nước ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị vào ngày 12/8/1978. Trong đó, hai bên cam kết ngưng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.
Tokyo và Bắc Kinh đã ký các tài liệu chính trị tương tự nhân dịp kỷ niệm 20 năm và 30 năm ngày ký kết hiệp ước. Và lãnh đạo Trung Quốc tại những cột mốc này, ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, đều có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bên thềm hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc muốn củng cố quan hệ với Nhật Bản
Thông cáo ngoại giao sắp được đưa ra sẽ là văn bản chính thức thứ 5 mà hai quốc gia châu Á ký kết từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1972.
Nikkei dẫn nguồn tin từ đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết các cuộc thảo luận trong nội bộ đảng về tài liệu chính trị mới bắt đầu được thực hiện từ tháng 6, sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản hồi tháng 5.
"Chuyến thăm của tôi hướng đến mục tiêu hợp tác với Nhật Bản nhằm đưa quan hệ Trung - Nhật trở về đúng đường lối", thủ tướng Trung Quốc nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo.
Từ lâu, Bắc Kinh đã mong muốn xây dựng mối quan hệ ổn định với quốc gia láng giềng đồng thời ấp ủ kế hoạch "mời gọi" Tokyo tham gia trật tự thế giới do Trung Quốc lãnh đạo. Trung Quốc cũng đang nỗ lực củng cố quan hệ với Nhật Bản trong lúc gia tăng căng thẳng với Mỹ. Theo Nikkei, tài liệu chính trị mới nhằm hướng dẫn quan hệ ngoại giao Trung - Nhật được đưa ra vì mục đích trên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ngoài cùng bên trái) cùng nâng ly với Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Nhật hồi tháng 5. Ảnh: Nikkei. |
Trung Quốc được cho là sẽ đề cập đến chính sách ngoại giao mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, tức "Sáng kiến Vành đai, Con đường", cũng như nhắc đến cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" trong tài liệu chính trị sắp được đưa ra.
Theo Nikkei, Bắc Kinh sẽ lấy văn bản này làm ví dụ về sự hợp tác sâu sắc giữa hai nước, đồng thời có thể chính thức yêu cầu Tokyo hỗ trợ cho chương trình này.
Trong thông điệp gửi đến Nhật Bản hôm 12/8, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Tokyo về lâu dài, phát triển mối quan hệ song phương lành mạnh và ổn định, theo Tân Hoa Xã.
Biển Hoa Đông tiếp tục là vấn đề "nóng"
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn căng thẳng về nhiều vấn đề, đặc biệt khi hai bên tiếp tục tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Năm 2014, sau khi mối quan hệ song phương xuống mức tệ hại nhất lịch sử, Trung Quốc và Nhật Bản cuối cùng cũng giải quyết bế tắc bằng một thỏa thuận gồm 4 nội dung quan trọng. Trong đó, hai bên công nhận "những quan điểm khác biệt về tình trạng căng thẳng trong những năm gần đây trên Biển Hoa Đông".
Thỏa thuận này giúp cải thiện mối quan hệ lạnh nhạt từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku năm 2012. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tài liệu chính trị mới khó có thể được viết với luận điểm tương tự thỏa thuận trên. Việc khơi mào một cuộc tranh luận về cách mô tả Biển Hoa Đông có thể dẫn đến những căng thẳng mới.
Một số chuyên gia không mặn mà với việc đưa ra văn bản chính thức thứ 5 khi Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong thông cáo thứ 4 được đưa ra năm 2008, trong đó nhấn mạnh hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng, môi trường và chăm sóc sức khỏe.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc (giữa) tập trận trên Biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters. |
Một nguồn tin của Nikkei từ đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định chưa có quyết định chính thức nào về việc đưa ra tài liệu chính trị mới, và Bắc Kinh có thể không thực hiện điều này.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang suy nghĩ về việc đưa ra thông cáo song phương lần thứ 5. Tokyo nhiều khả năng sẽ muốn bổ sung nội dung ngăn chặn Trung Quốc đơn phương phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Đông. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ vững lập trường cứng rắn về Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ dễ dàng chấp thuận yêu cầu của Tokyo hơn.
Tuy nhiên, nhiều quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản vẫn cảnh giác với việc Trung Quốc tìm cách đưa "Sáng kiến Vành đai, Con đường" vào thông cáo chung vì lo sợ điều này có thể tạo cảm giác Nhật Bản đang tham gia vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giới phân tích cũng cho rằng hai bên khó có thể nhượng bộ trong việc đề cập đến Biển Hoa Đông trong thông cáo chung, với việc Chủ tịch Tập luôn đề cao các vấn đề liên quan đến chủ quyền và thường xuyên tìm cách nâng cao năng lực hàng hải.
"Nếu chúng tôi bị đặt vào thế bất lợi với Trung Quốc, tốt hơn hết là không nên đưa ra tài liệu chính trị mới", một nhà ngoại giao Nhật Bản trả lời Nikkei.
Trong 4 thập kỷ qua, cục diện thế giới chứng kiến nhiều sự thay đổi. Nền kinh tế Trung Quốc chiếm vị trí lớn thứ 2 trên thế giới, thế chỗ Nhật Bản. Bắc Kinh đồng thời đạt nhiều thành tựu về đối ngoại. Những cụm từ như "tình hữu nghị" và "đôi bên cùng có lợi" có thể sẽ không được sử dụng để mô tả mối quan hệ giữa hai bên hiện nay.