Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do tạp chí này bình chọn.
Đáng chú ý, trong danh sách này có 4 nữ doanh nhân được vinh danh ở lĩnh vực kinh doanh.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Group, CEO Vietjet
Theo đánh giá của Forbes Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của châu Á góp phần phát triển ngành hàng không của Việt Nam thông qua cạnh tranh lành mạnh.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air. Ảnh: Baodautu |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, là nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam được Forbes ghi nhận sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hiện bà đang giữ chức vụ tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank. Bà là Cử nhân Kinh tế và Tài chính, Tín dụng – Ngân hàng, Tiến sĩ Kinh tế.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bước vào thương trường khi còn là sinh viên năm thứ 2. Khi thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu… Song song với đó, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như thiết bị, sắt thép, phân bón…
Khi bắt đầu khởi nghiệp, vốn liếng của bà Thảo lúc bấy giờ chỉ là một chữ tín và sức lao động chăm chỉ đến phi thường của bản thân. Đối với bà Thảo, việc kinh bắt đầu lúc 5h sáng và kết thúc lúc 2h sáng hôm sau là điều bình thường.
Nhờ lao động chăm chỉ, sau 3 năm bà Thảo đã có 1 triệu USD đầu tiên. Bà trở thành triệu phú đô la khi mới 21 tuổi nhờ kinh doanh các loại hàng điện tử, máy văn phòng, máy fax và cao xu tự nhiên. Với số vốn này, bà Thảo cũng bắt đầu chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.
Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB, hai trong số ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, nữ tỷ phú còn đầu tư vào bất động sản. Sau đó là lĩnh vực hàng không với vị trí tổng giám đốc Vietjet Air.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo không có hứng thú “làm chuyện con cò” trong kinh doanh. Ảnh: HDBank. |
Điểm đặc biệt trong kinh doanh của bà Thảo đó là bà không có hứng thú “làm chuyện con cò”. Với việc thực hiện “giấc mơ bay”, nữ tủ phú từng chia sẻ: “Trước khi Vietjet tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình”.
Dưới bàn tay lãnh đạo tài tình của bà, Vietjet Air đã tăng trưởng thần tốc. Chỉ trong giai đoạn 2014 – 2016, hãng bay này đã chiếm 29% thị phần.
Tính đến năm 2019, Vietjet đã chiếm hơn 40% thị phần nội địa, ghi nhận lãi kinh doanh ngay trong năm thứ 2 cất cánh.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng vừa là nữ doanh nhân Việt đầu tiên nhận Bắc đẩu bội tinh - Huân chương cao quý nhất của Pháp. Trước đó, nữ tỷ phú từng được vinh danh là nhân vật có ảnh hưởng nhất châu Á trong công tác thiện nguyện do tạp chí danh tiếng Tatler trao.
Doanh nhân Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, CEO InnEdu
Doanh nhân Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: Giáo dục Việt Nam |
Theo Forbes Việt Nam, nữ doanh nhân Tô Thụy Diễm Quyên từng là trẻ tự kỷ và mắc chứng khó đọc, nhưng giờ trở thành "người truyền lửa sáng tạo" hướng dẫn các phương pháp giáo dục tích cực để học sinh hạnh phúc khi học tập.
Khi còn là giáo viên, bà Tô Thụy Diễm Quyên từng đạt giải nhất quốc gia dạy học tích hợp, sau đó đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha. Bà cũng là giám khảo châu Á duy nhất trong 18 giám khảo của Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Mỹ và là người Việt Nam đầu tiên và là một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu.
Thế nhưng, bỏ lại công việc mà nhiều người mơ ước là làm chuyên gia ngành giáo dục và đào tạo, bước ngoặt khiến bà chuyển hướng sang hành trình khởi nghiệp giáo dục là khi bà đọc được báo cáo từ tổ chức Microsoft. Theo báo cáo từ Microsoft, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển giáo dục toàn cầu bởi sự năng động và chuyển đổi mạnh mẽ.
Năm 2012, bà Quyên quyết định chuyển hướng từ chuyên gia giáo dục và đào tạo, sang khởi nghiệp giáo dục, bằng việc sáng lập Công ty Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu. Giai đoạn đầu, công ty chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Sau 8 năm hoạt động, InnEdu đã đào tạo hơn 60.000 lượt giáo viên trên hơn 40 tỉnh thành, góp phần quan nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên tại nhiều trường học, thay đổi tư duy quản lý của nhiều đơn vị giáo dục.
Từ năm 2017 – 2020, InnEdu chuyển mình nghiên cứu về giáo dục STEAM và bắt đầu xây dựng và vận hành trung tâm STEAM lớn và hiện đại hàng đầu Việt Nam. InnEdu trở thành đối tác giảng dạy STEAM của nhiều tổ chức, trường học, và cung cấp trang bị, thiết kế phòng học STEAM chuẩn châu Âu cho nhiều trường học.
Doanh nhân Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood
Tổng Giám đốc NutiFood - Trần Thị Lệ. Ảnh: Vietnambusinessinsider |
Doanh nhân Trần Thị Lệ sinh ra ở miền quê Phù Cát, tỉnh Bình Định vào những năm 70. Khi còn nhỏ, bà Trần Thị Lệ chỉ mơ ước trở thành bác sĩ. Về sau, bà học Đại học Tây Nguyên ngành y và làm việc tại trung tâm dinh dưỡng TP. HCM.
Vào những năm 90, bà Lệ thấy rằng cứ 10 trẻ em đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì tình trạng suy dinh dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Lúc bấy giờ, một vị bác sĩ đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm cho vào chiếc máy xay sinh tố xay nhuyễn kèm men tiêu hóa, giúp nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày. “Việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã cứu sống hàng ngàn trẻ em” - bà Lệ nhớ lại.
Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp nhất thời, các bác sĩ ở trung tâm cảm thấy thực sự cần phải có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng. Từ đó, họ cùng nhau nghiên cứu và lập nên một cơ sở như vậy, mang cái tên rất ý nghĩa là Đồng Tâm.
Khi ấy, bà Trần Thị Lệ yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng, lại có khiếu kinh doanh nên từ năm 1999 đã được phân công về làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm - tiền thân của NutiFood ngày nay.
Là một bác sĩ đi làm sữa đặc trị, bà Lệ có sẵn nền tảng kiến thức về y khoa cũng như cái tâm hết lòng vì người tiêu dùng. Suốt nhiều năm, bà cho biết mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng vì ban ngày vừa sản xuất vừa bán sữa, đến tối lại cắp sách đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing…
Bà được mời về làm Giám đốc vào năm 2000 và khi đó quy mô công ty vẫn còn rất nhỏ. Với tham vọng đưa thương hiệu ra vượt khỏi dải đất hình chữ S. Bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm sang NutiFood.
Năm 2003, khi ở tuổi 30, bà Lệ trở thành cổ đông lớn nhất của NutiFood. Đây cũng là thời điểm mà nữ doanh nhân này trở thành Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm.
Đến nay, NutiFood là một trong những công ty sữa lớn nhất Việt Nam với danh mục hoàn chỉnh các sản phẩm cho mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh cho đến các lứa tuổi...
Nữ doanh nhân Trần Thị Lệ từng nhận kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp dân số, gia đình và trẻ em" và năm 2019 được tạp chí Forbes bầu chọn là Top 25 phụ nữ quyền lực ở châu Á.
Doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ - Đồng sáng lập, CEO ELSA
Nhà sáng lập và CEO Elsa Speak - Văn Đinh Hồng Vũ. Ảnh: Tiền phong |
Nữ doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ xuất thân là sinh viên Đại học Ngoại thương TP HCM. Bà từng là người châu Á đầu tiên làm trợ lý Tổng giám đốc Maersk tại Đan Mạch trước khi chuyển đến Mỹ để tiếp tục hành trình học thuật với hai tấm bằng Thạc sĩ giáo dục và MBA tại Đại học Stanford. Bà cũng làm trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company (1 trong 4 tập đoàn tư vấn hàng đầu nước Mỹ).
Sau đó, Văn Đinh Hồng Vũ hợp tác với Tiến sĩ người Bồ Đào Nha Xavier Anguera - chuyên gia về AI và nhận diện giọng nói - để đồng sáng lập Elsa Speak. Ứng dụng học nói tiếng Anh này ra đời năm 2015 và đã gọi vốn thành công từ nhiều quỹ đầu tư danh tiếng - bao gồm cả Gradient Ventures - quỹ đầu tư chuyên dành cho các dự án AI của Google. Đến nay, Elsa đã có hàng triệu người dùng từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 2019, startup này đã huy động thành công 7 triệu USD từ vòng Series A. Đầu năm 2021, ELSA gọi vốn thành công thêm 15 triệu USD.
Cảm hứng khiến Văn Đinh Hồng Vũ từ bỏ những công việc "triệu người mơ" để theo đuổi đam mê và lập nghiệp đến từ chính khó khăn mà cô đã trải qua với việc học ngoại ngữ. Dù đọc và viết tốt, cô vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp trong những ngày đầu đến Mỹ.
Doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ và Elsa từng được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng AI thay đổi thế giới. Năm 2018, bà Vũ được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.