Nhà Minh (1368-1644) là triều đại cuối cùng do người Hán kiến lập trong lịch sử Trung Quốc. Kể từ khi Chu Nguyên Chương lập quốc, Đại Minh trải qua 16 đời vua, thống trị Trung Hoa trong gần 3 thế kỷ.
Từng lật đổ đế chế hùng mạnh của Nguyên triều, nhưng sau gần 300 làm chủ Trung Nguyên, Minh triều lại trượt dài trên con đường suy vong để rồi cuối cùng bị thay thế bởi một vương triều ngoại tộc khác của người Mãn – Thanh triều.
Nguyên nhân khiến nhà Minh sụp đổ nhanh chóng bắt nguồn từ nhiều lý do. Trong đó phải kể tới 4 nguyên nhân nội tại quan trọng dưới đây.
Sưu cao thuế nặng khiến lòng dân bất mãn
Thuế khóa chồng chất của nhà Minh khiến bách tính kiệt quệ, lòng dân bất mãn. (Tranh minh họa: Nguồn Baidu). |
Trong giai đoạn hoàng tộc họ Chu nắm quyền, thuế khóa Đại Minh không ngừng gia tăng, kéo theo đó là chi tiêu tài chính mất cân đối, tham quan xuất hiện không ngừng.
Thực trạng thối nát này khiến tiền thuế của dân chúng bị hút cạn, hối lộ trở thành tệ nạn công khai.
Dù mặc sức vơ vét, nhưng Minh triều vẫn không thể cải thiện tình trạng tài chính của triều đình. Số tiền ít ỏi thu được từ việc bóc lột bách tính vốn chẳng thể nào bù đắp sự hao phí do thực trạng thối nát từ trên xuống dưới lúc bấy giờ.
Kể từ giai đoạn giữa thời nhà Minh, số tiền thiếu hụt của quốc khố đã vô cùng nghiêm trọng. Những năm Chính Đức, ngân khố thiếu 351 vạn lượng. Con số này vào những Gia Tĩnh thứ 7 ở mức 111 vạn lượng, tới năm Long Khánh thứ nhất đã lên tới 345 vạn lượng.
Trước những năm Vạn Lịch, việc thu chi của triều đình tạm thời cân bằng. Tuy nhiên sau đó, quốc khố lại nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Sưu cao thuế nặng đã khiến vô số bách tính mất đi tiền cơm áo. Hơn nữa nhiều địa phương còn gặp phải thiên tài, mất mùa triền miên.
Cuộc sống của dân chúng vốn đã khó khăn, nay lại buộc phải gồng gánh trên vai đủ mọi sưu thuế.
Thực trạng này đã khiến nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổi lên như nước lũ, Minh triều nhanh chóng rơi vào tình trạng nội bộ hỗn loạn.
Hoạn quan lộng hành trở thành "quốc nạn"
Hoạn quan, thái giám là một trong những "đặc sản" của Minh triều. Chế độ hoạn quan của triều đại này sở hữu 3 đặc điểm nổi bật.
Đặc điểm thứ nhất: Cơ cấu khổng lồ
Khi mới thành lập vương triều, Chu Nguyên Chương đã thiết lập chế độ hoạn quan bao gồm 9 giám, 2 khố, 6 cục. Trải qua nhiều đời vua, bộ máy thái giám của Minh triều đã phát triển đồ sộ tới mức khó tin với 24 nha môn, 2 giám, 4 ti, 8 cục.
Đặc điểm nổi bật thứ hai: Sự bành trướng về số lượng
Từ những năm Hồng Vũ cho tới cuối thời nhà Minh, số lượng các thái giám khởi điểm chỉ vài trăm người đã lên tới mấy chục ngàn nhân khẩu.
Thậm chí có tài liệu còn ghi lại rằng: "Cung nữ chỉ có chín ngàn nhưng thái giám trong cung lại có tới 100 ngàn người".
Đặc điểm nổi bật thứ ba: Thế lực hoạn quan hiện diện ở mọi mặt
Nắm trong tay trọng quyền trong triều đình, thái giám của Minh triều càng được nước hoành hành.
Vào thời kỳ đỉnh cao thịnh trị, đội ngũ hoạn quan của vương triều này xuất hiện ở khắp nơi trên lãnh thổ Đại Minh với những nhiệm vụ như canh giữ, trấn thủ, điều tra, thu thập thông tin… Thế lực của tầng lớp hoạn quan còn can thiệp vào kinh tế, thuế vụ nhằm vơ vét của cải, tài sản.
Chưa dừng lại ở đó, những cơ quan đặc vụ do hoạn quan quản lý như Đông Xưởng, Tây Xưởng còn ra tay hãm hại nhiều nhân sĩ chính nghĩa và bách tính thường dân.
Hệ thống quân sự đồ sộ, phức tạp, nhiều khiếm khuyết
Mục tiêu của Minh triều trong việc xây dựng hệ thống quân đội là đổi mới thể chế lãnh đạo quân sự ở trung ương và địa phương, áp dụng hình thức quản lý mới và những kỹ thuật tân tiến từ Tây phương, từ đó đảm bảo hòa bình ổn định lâu dài của vương triều.
Từ giữa thời nhà Minh, hệ thống quân sự của vương triều này đã bước đầu hoàn thiện. Tuy nhiên, những biến cố về chính trị cùng bối cảnh thù trong giặc ngoài đã khiến quân sự của vương triều này càng lúc càng gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế thì Minh triều sở hữu hệ thống quân sự đồ sộ và phức tạp. Trải qua thời gian dài vận hành và đổi mới, hệ thống này không những không tiến bộ như mong muốn mà còn xuất hiện nhiều tồn đọng và trở thành nguyên nhân nòng cốt khiến vương triều diệt vong.
Đội ngũ quan lại ngồi không ăn bám
Mặc dù vào cuối thời nhà Minh vẫn có một số quan viên tận tụy như Hải Thụy, Thích Kế Quang, Trương Cư Chính… Nhưng xét trên tổng thế mà nói, từ những năm Thiên Thuận trở đi, quan lại của triều đại này luôn hành sự theo tôn chỉ: "Không cần làm người tốt, chỉ cần làm quan tốt".
Điều đáng nói nằm ở chỗ, hai chữ "quan tốt" không mang hàm nghĩa tích cực mà dùng để ám chỉ về một chức quan có địa vị cao, càng được hưởng nhiều vinh hoa phú quý càng tốt.
Cũng chính bởi tôn chỉ hành sự này mà hầu hết quan lại thời bấy giờ đều chẳng quan tâm tới vận nước, mạng dân chứ chưa nói đến trách nhiệm hay cương vĩ.
Sở hữu một đội ngũ cai trị như vậy, bách tính sao có thể ngóc đầu lên nổi, vương triều sao còn có thứ gọi là tiền đồ?
Suy cho cùng, Minh triều hội tụ nhiều yếu tố đẩy đến bờ vực diệt vong như vậy âu cũng xuất phát từ chế độ quản lý thiếu hữu hiệu cùng với thể chế chính trị, quân sự có nhiều khiếm khuyết.
Kết cục là sau gần 3 thế kỷ, giang sơn của hoàng tộc họ Chu đã chuyển giao sang tay của người Mãn Châu. Thanh triều cũng nhanh chóng thay thế địa vị của Minh triều trên lãnh thổ Trung Hoa.
Nhìn vào cuộc đối đầu trực tiếp này, sẽ biết Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý ai "trên cơ" ai