Cù lao Phong Nẫm nằm giữa dòng sông Hậu, nơi đầu tiên đón nhánh Cửu Long chảy vào địa phận huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Miền đất ngọt quanh năm phù sa bồi đắp, nơi đây nghề làm vườn đã có từ lâu.
Dấu ấn đậm nét minh chứng là những vườn cây trái đã tồn tại hàng thế kỷ, trong đó có những cây măng cụt trăm tuổi vẫn sai trái và đậm đà hương vị. Có cơ hội du khách hãy về thăm vườn măng cụt của gia đình ông Hứa Văn Lến ở xã cù lao Phong Nẫm, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Ông Hứa Văn Lến bên những cây cổ thụ trăm tuổi-cây măng cụt trong vườn nhà ở cù lao Phong Nẫm, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh.
Ông Lến chia sẻ 4 cây măng cụt cổ thụ trong vườn được bà ngoại ông trồng từ những ngày về đây lập nghiệp vào khoảng năm 1923 - 1924. Ban đầu cụ bà trồng 8 cây, nhưng 4 cây bị bật gốc chết vì mưa bão, còn lại 4 cây sinh trưởng phát triển tốt cho đến ngày nay.
Bốn thân cây to, dày đặc những cục u lồi ra phía ngoài như minh chứng cho dấu vết của thời gian. Thân cây một vòng tay người lớn không ôm hết, trên ngọn có rất nhiều cành to vươn ra với đường kính của tán lá trên chục mét.
Tán cây mặng cụt cổ thụ trong vườn nhà ông Lến rộng hàng chục mét. Ảnh: Phương Anh
"Có thể nói đây là những cây măng cụt có tuổi đời cao, rất hiếm hoi của vùng đất này. Mặc dù đã trăm tuổi, cây vẫn cho trái đều đặn và năng suất cao hơn những cây măng cụt 20 năm tuổi trong vườn nhà. Những năm thời tiết thuận lợi, mỗi cây cho từ 300 - 500kg trái. Còn năm nào không trúng mùa thì mỗi "cụ" vẫn ra hoa, kết trái từ 200 - 300kg", ông Lến cho biết.
Đặc biệt những cây măng cụt "cụ, kỵ" này rất ít bị sâu bệnh. Cây không cần bón phân nhưng vẫn phát triển, cành lá xanh mướt, sum suê. Tới mùa là cây ra hoa, kết trái đều đặn. Trái măng cụt có vỏ mỏng, ruột rất dày, hạt không lớn. Điều thú vị là cây măng cụt càng lớn cho trái càng sai và ngon.
Ông chủ vườn thông tin: "Nhờ cây măng cụt cổ thụ phát triển tốt, không cần phân thuốc nên gia đình cũng không mất nhiều thời gian chăm sóc cho cây".
20 năm trước, cây gặp giông bão nên đã gãy một số nhánh. Gia đình thấy vậy nên làm trụ bê tông, bắc đà chống đỡ cho những cành to, dài để vừa cho ra trái vừa tránh gãy cành cây.
Tiếng lành đồn xa, vườn nhà ông Lến hấp dẫn nhiều du khách ghé thăm cũng như trực tiếp thưởng thức hương vị măng cụt lão. Chính quyền xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cũng vận động gia đình hình thành điểm du lịch sinh thái kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng.
Vào mùa trái măng cụt chín mỗi ngày vườn nhà ông Lến đón tiếp cả trăm lượt khách. Ngoài sở hữu 4 cây măng cụt trăm tuổi, khu vườn còn có cây me trên 60 năm tuổi và đàn cá tra dầu trên 30 năm. Nhiều cây trồng khác như nhãn long, mai vàng... có tuổi đời vài chục năm.