Nhà đầu tư tập trung tại trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng (ảnh lớn: Internet) và đơn tố cáo của nạn nhân (ảnh nhỏ). |
Siêu hơn đa cấp, đánh trúng lòng tham
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích: Công ty Modern Tech đưa ra mức lãi suất quá cao và dùng cả “chim mồi” để chiêu dụ các nhà đầu tư. Với mức lãi suất khủng khiếp lên đến 48%/tháng đã đánh trúng vào lòng tham của nhà đầu tư khiến họ dễ dàng rót tiền vào dự án.
Điều đáng nói ở đây, mô hình huy động vốn của dự án ifan còn siêu hơn cả kinh doanh đa cấp. Cụ thể, nó kết hợp cả hình thức đầu tư lending (thuê vốn và trả lãi bằng tiền ảo ifan cho nhà đầu tư), ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) và kinh doanh đa cấp (tức là có nhiều cấp).
“Với mức lãi suất trả cho nhà đầu tư lên đến 48%/tháng, thoạt nghe thì nhà đầu tư cứ nghĩ mình được lời đậm. Họ nhìn thấy khối tài sản của mình ngày càng tăng lên theo cấp số nhân nhưng thực chất đó chỉ là tài sản ảo bởi cuối cùng họ cũng không thể nào rút tiền ra được. Cho dù mỗi đồng tiền ifan tăng giá lên đến 1 tỉ đồng cũng huề vốn thôi vì họ có bán để rút tiền ra được đâu” - ông Khánh nói.
Bằng chứng là dự án ifan trả lãi cho khách hàng bằng coin với giá quy đổi do ifan tự công bố là 5 USD/đồng, song trên thị trường giá trị thực của nó chỉ có khoảng 0,01 USD/đồng coin ifan. Trong khi đó, giá vốn thấp nhất ở đợt huy động vốn lần đầu tiên vào tháng 7-2017 là 0,8 USD/đồng và trong lần huy động vốn tháng 12 năm ngoái tiếp tục được ifan đẩy lên mức 2,6 USD/đồng.
“Như vậy ngay cả so với người mua được giá vốn lần đầu thì cũng đã lỗ nặng và những người nhập cuộc chơi muộn hơn thì càng thua đậm hơn nữa” - ông Khánh nhấn mạnh.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, các quy định hiện hành không thừa nhận các loại tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Không những vậy mà theo quy định hiện nay còn xử phạt 150-250 triệu đồng đối với những hành vi này.
Thuê văn phòng ảo để đầu tư tiền ảo
Ngày 9-4, chúng tôi đã tìm đến địa điểm Công ty Modern Tech thuê văn phòng nhưng đây chỉ là văn phòng ảo. Hiện không có đại diện nào của công ty này ở đây. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Bùi Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Replus, địa chỉ 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM (nơi Modern Tech sử dụng dịch vụ thuê văn phòng ảo), cho biết: Kể từ khi ký hợp đồng thuê văn phòng ảo tại Replus với thời hạn một năm, có giá trọn gói vỏn vẹn chỉ có 7.854.000 đồng kể từ tháng 10-2017 đến nay chưa từng có ai của bên Modern Tech đến văn phòng này một lần nào.
Thậm chí ngay cả khi ký hợp đồng pháp nhân thì đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng ảo (Công ty Replus) cũng chỉ gửi hợp đồng về địa chỉ của người đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn chứ không hề gặp mặt.
“Với gói dịch vụ văn phòng ảo này, Modern Tech có địa chỉ đăng ký trên giấy phép kinh doanh kèm theo một bảng tên công ty đặt tại tòa nhà” - bà Thúy nói.
Giao dịch tiền ảo không được pháp luật bảo vệ
Ngày 9-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lại Việt Anh, Cục phó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương, cho biết: Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về tiền ảo. “Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo này” - bà Lại Việt Anh nói.
Cũng theo vị này, trên thực tế cơ quan công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.
Do vậy, bà Việt Anh khuyến cáo người tiêu dùng và các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia mua bán tiền ảo hay sử dụng để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… phủ nhận có liên quan
Đại diện truyền thông của ca sĩ Lệ Quyên (ảnh) đã thông báo trên Facebook của mình ý kiến của Lệ Quyên nêu rõ: “Sáng nay (9-4), có một số báo chí đưa tin về việc một công ty sử dụng hình ảnh và thông tin của Lệ Quyên để đi lừa đảo. Phía chúng tôi - đại diện truyền thông của ca sĩ Lệ Quyên xin khẳng định chưa bao giờ có bất kỳ một hợp đồng, thỏa thuận nào với công ty này. Trong trường hợp nếu như phía công ty sử dụng hình ảnh của Lệ Quyên đi lừa đảo, phía chúng tôi sẽ liên hệ với luật sư khi cần và nhờ sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ hình ảnh của mình”.
Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng khẳng định không phải là người đại diện hay PR, quảng cáo gì cho công ty đa cấp, huy động vốn nào hết.