Bao Chửng (5 tháng 3 năm 999 - 3 tháng 7 năm 1062), biểu tự Hy Nhân, thường được gọi là Bao Thanh Thiên hay Bao Công, người Lư Châu, Hợp Phì (giờ là huyện Phì Đông, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy).
Ông làm quan nhà Bắc Tống, quan tới tòng nhị phẩm Xu Mật Viện phó sứ, Triều tán Đại phu, Cấp sự trung, Thượng Khinh xa Đô úy, tước Đông Hải quận Khai quốc Hầu, thực ấp 1800 hộ, thực hưởng 400 hộ, nhận tử sắc kim ngư đại ngự ban. Khi mất được truy thăng hàm Lễ bộ Thượng thư, thụy Hiếu Túc.
Suốt mấy chục năm làm quan, ông luôn giữ vững nguyên tắc "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình", bất kể là thường dân hay bậc vương giả. Điều đáng ngạc nhiên là, dù đắc tội không ít kẻ quyền thế, thậm chí là nhiều hoàng thân quốc thích nhưng Bao Công vẫn bình an vô sự.
Thực tế, hình tượng Bao Thanh Thiên với làn da đen nhẻm, trán có vầng trăng lưỡi liềm chỉ là sản phẩm phóng tác của nhân gian. Lịch sử xác nhận sự tồn tại của Bao Chửng, nhưng ông không phải vị quan chuyên xử án, mà chỉ thụ lý một số vụ án nhỏ. Tuy nhiên, chính những vụ án nhỏ, gần gũi với đời sống thường dân này đã khiến ông được người đời xây nên hình tượng Bao Thanh Thiên đầy uy nghiêm, công chính.
Trong lịch sử, chức quan của Bao Công là Ngự sử, phụ trách việc giám sát và can gián vua, cùng với đó là quản lý tài chính quốc gia. Nhờ tài năng xuất chúng, ông được điều về phủ Khai Phong nhậm chức. Tại đây, chỉ trong vòng một năm rưỡi, bằng sự cương trực, công minh, không thiên vị, Bao Chửng đã tạo dựng tiếng thơm vang xa kinh thành. Ông được người dân hết mực yêu mến, kính trọng. Chính điều này đã tạo tiền đề cho hình tượng vị quan chí công vô tư trong các tác phẩm văn học sau này.
Thứ nhất, Bao Công là vị quan được dân chúng tin yêu, kính trọng. Thời bấy giờ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, khởi nghĩa nông dân diễn ra thường xuyên. Để củng cố triều chính, Tống Nhân Tông không thể động chạm đến Bao Công bởi nếu xử tội ông cũng đồng nghĩa với việc tự chuốc lấy phiền phức, khiến lòng dân thêm bất bình.
Thứ hai, sau vụ án "dùng ly miêu đánh tráo Thái tử", Bao Công nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của Thái hậu. Có Lý Thái hậu làm chỗ dựa vững chắc, Tống Nhân Tông khó lòng có thể làm khó Bao Công. Hơn nữa, Tống Nhân Tông vốn là vị vua nhân từ, là minh quân hiếm có của triều Tống nên dù Bao Chửng có thẳng thắn can gián, ông cũng không vì thế mà bị trách phạt.
Thứ ba, kể từ thời khai quốc, các đời vua Tống đều âm thầm truyền lại một điều lệ: Không được giết hại sĩ phu, trừ khi họ tạo phản, phạm tội nặng. Cho dù văn nhân có lỡ lời xúc phạm đến hoàng đế cũng không bị trách phạt. Vì vậy, chỉ cần Bao Công không có ý định tạo phản, ông vẫn sẽ được bảo vệ để tiếp tục thực thi công lý.
Hình tượng Bao Công dù có phần được thần thánh hóa nhưng qua đây đã phản ánh khát khao của người dân về một vị quan "thương yêu dân như con". Trong tâm trí người đời, Bao Công mãi là biểu tượng cho sự liêm chính, chính trực và công minh.