Tào Tháo là một trong những nhân vật lịch sử có tính cách vô cùng phức tạp. Có người nói, Tào Tháo là đại thần trị quốc nhưng cũng là gian hùng thời loạn thế. Dù mang tiếng đa nghi, gian trá, ông vẫn được đánh giá là người dũng cảm, mưu trí hơn người.
Tạo hình Tào Tháo trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010. Ảnh: Sohu |
Tào Tháo từng có một thời tuổi trẻ khí thế ngút trời, một lòng muốn trừ gian diệt ác. Ông từng nghĩ có thể dựa vào năng lực của bản thân để trả lại công đạo cho đời. Nhưng triều đình và các quan đại thần đã làm ông thất vọng. Sự cương trực của bản thân vốn không thể nào xoay chuyển được tình thế. Trước cảnh thế sự suy tàn, cuối cùng Tào Tháo đã tìm ra con đường cho chính mình. Đó chính là chỉ có thể dùng chiến trận để xây dựng cơ nghiệp.
Tuy nhiên, để có thể gây dựng sự nghiệp thành công với một mình cái đầu của Tào Tháo thì không thể nào làm được, bởi dù có là thiên tài thì ông cũng có những khuyết điểm của riêng mình. Nên để bổ khuyết những kém cỏi của mình trong chính trị và quân sự Tào Tháo đã lắng nghe và sử dụng kiến nghị của những người khác, để tham khảo hoặc làm theo.
Tào Tháo dùng người, là chỉ dùng người tài, không câu nệ xuất thân. Ảnh: Sohu |
Thời kỳ Tam quốc, trong quá trình xây dựng quyền lực của mình, vì muốn tìm kiếm người tài, Tào Tháo tổng cộng đã ba lần ban "cầu hiền lệnh" (lệnh cầu người tài đức). Cùng thời đại của ông, không có người nào từng làm chuyện này. Nhờ thực hiện một cách triệt để chính sách trọng dụng người tài, tìm mọi cách để tập hợp, tiến cử thậm chí là mua chuộc người tài về phục vụ cho mình. Chính vì vậy, trong quá trình chinh chiến, ông đã thu phục được nhiều hào kiệt, cả văn lẫn võ, làm người hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển cơ nghiệp của mình.
Về võ tướng, ông nắm trong tay Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng, Tào Hồng, Trương Văn Viễn… Thậm chí, Tào Tháo còn nhiều lần tìm cách dụ dỗ tướng tài là Quan Vũ nhưng không thành.
Về mưu sĩ, ông có Quách Gia, Tuân Úc, Trình Dục, Giả Hủ phụng sự. Những người này được đánh giá có năng lực không thua kém so với Gia Cát Lượng và Bàng Thống.
Nhờ có sự phò trợ của những người thực sự giỏi, Tào Tháo mới có thể nam chinh bắc chiến hơn mấy chục năm và tiêu diệt tất cả các đối thủ bằng chính sự táo bạo và thâm sâu của mình.
Sau khi thống nhất phương Bắc, Tào Tháo đã dựng nên nước Ngụy. Thực ra, lúc đó Tào Tháo hoàn toàn có thể xưng đế. Nhưng Tào Tháo lại chưa từng làm điều đó mà cho đến lúc chết ông cũng chỉ là Ngụy Vương chứ không phải là Ngụy Võ Đế.
Tào Tháo là vị quân chủ rất biết nhìn người và cũng rất hiểu chính mình. Ông không vì ham hư danh xưng đế mà tự tay chôn vùi công sức bao năm của bản thân. Ảnh: Sohu. |
Tào Tháo là một người rất hiểu mình. Tào Tháo biết rõ tham vọng quyền lực của mình lớn hơn bất cứ ai. Nhưng Tào Tháo cũng hiểu dục vọng của con người là hố sâu không đáy. Nếu như ông xưng đế, người ngoài sẽ cho rằng Tào Tháo đang tranh quyền đoạt vị. Từ đó, Lưu Bị và Tôn Quyền sẽ có thêm lý do chính đáng để tiến đánh Tào Tháo.
Có thể nói, Tào Tháo là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà lãnh đạo giỏi, nhà quân sự có tài. Ông là người luôn hoạt động nhạy bén, dám nói dám làm, không ngại nhận khuyết điểm, cùng với việc chọn và dùng người hiền tùy vào tài năng, không nhắc hiềm thù cũ giúp ông làm nên nghiệp lớn.