Tống Giang – thủ lĩnh Lương Sơn Bạc được coi là nhân vật mấu chốt trong Thủy Hử của Thi Nại Am. Dưới ngòi bút của tác giả, Tống Giang được miêu tả có ngoại hình thấp bé, mặt mũi ngăm đen.
Ông từng giữ chức áp ti huyện Vận Thành, sau đó, vì tự ý thả đám người Tiều Cái, lại thêm tội giết vợ nên đã phải vượt không ít gian nan để đến Lương Sơn Bạc tìm chốn dung thân.
Ngoài tên tự Công Minh, nghĩa là công tâm và sáng suốt, Tống Giang còn có biệt hiệu Hô Bảo Nghĩa bởi thường xuyên hành hiệp trượng nghĩa cứu người và Cập Thời Vũ vì từng nhiều lần cứu giúp người khác vào đúng thời khắc nguy nan.
Cũng chính vì những đặc điểm này nên Tống Giang được Tiều Cái tin tưởng chọn làm người kế nhiệm chức trại chủ Lương Sơn sau khi ông qua đời.
Đánh giá về cống hiến của Tống Giang đối với Lương Sơn, nhiều ý kiến cho rằng, việc giúp các hảo hán tụ nghĩa tại Lương Sơn là điểm sáng nhất trong sự nghiệp của ông. Trong khi đó, quyết định chiêu an lại là “nét bút hỏng” khiến Lương Sơn sụp đổ.
Là huynh trưởng trong số 108 anh hùng Lương Sơn, Tống Giang luôn được những người huynh đệ của mình ngưỡng mộ và hết lòng phò tá. Tuy nhiên, những người anh em tâm phúc nhất của Tống Giang phải kể đến 3 người sau đây:
Ngô Dụng ngồi ghế thứ 3 trong số 108 anh hùng Lương Sơn, sau Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa, ứng với Thiên Cơ Tinh. Thiên Cơ Tinh là ngôi sao mưu thần, định sẵn ông sẽ là mưu sỹ, là quân sư cho thủ lĩnh Tống Giang.
Trong các chiến thắng liên tiếp của Tống Giang luôn có bóng dáng của quân sư Ngô Dụng. Ngoài ra, ông còn giúp Tống Giang thu phục được nhiều nhân vật vốn là tướng giỏi của triều đình mà nếu không có những mưu kế ấy thì họ có lẽ đã phá tan Lương Sơn như Hô Duyên Chước, Trương Thanh…
Ngô Dụng là người hiểu rõ hơn ai hết thực trạng bè lũ gian thần lũng đoạn triều đình nên sau khi nghe tin huynh trưởng Tống Công Minh và Lý Quỳ đã chết, Ngô Dụng đem xác hai người an táng tại đầm Lục Nhi ngoài thành Sở Châu.
Nơi đây có ao đầm ngòi rạch mênh mông, tùng bách rậm rạp xanh tươi, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, núi non nhấp nhô uốn lượn, sườn núi đá xếp như bậc thềm, một nơi trông rất giống Lương Sơn Bạc. Rồi ông cùng Hoa Vinh treo cổ tự vẫn tại đây.
Vị trí số 2: Lý Quỳ
Lý Quỳ hiệu Hắc Toàn Phong, thường được gọi là Thiết Ngưu, được biết tới là một trong những người khỏe nhất Lương Sơn.
Trong nguyên tác, Lý Quỳ được miêu tả là một người lực lưỡng, nước da ngăm đen với vũ khí là hai cây rìu. Trong số 108 anh hùng Lương Sơn, Lý Quỳ ngồi ghế thứ 22, ứng với Thiên Sát Tinh.
Lý Quỳ nổi danh với chiến tích một mình giết 4 hổ để báo thù cho mẹ khi mẹ ông bị chúng ăn thịt trên đường ông cõng mẹ lên Lương Sơn.
Ông cũng từng cùng đại ca Tống giang chinh chiến, góp công không nhỏ trong hàng loạt đại công của Lương Sơn trong các trận chiến đánh với nước Liêu, dẹp loạn Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp.
Khi Tống Giang uống rượu độc vì bị kẻ gian hãm hại, vì không muốn Lý Quỳ báo thù cho mình nên ông đã lừa Lý Quỳ uống rượu độc để chết cùng mình. Khi biết ý đồ của huynh trưởng, Lý Quỳ chỉ nói dứt khoát một câu: “Thiết Ngưu khi sống đi hầu huynh trưởng, khi chết cũng làm ma theo huynh trưởng”.
Vị trí số 1: Đới Tung
Đới Tung mang tước hiệu Thần Hành Thái Bảo, biệt tài “đi mây về gió”, một ngày có thể đi 800 dặm. Trong số 108 anh hùng Lương Sơn, ông ngồi ghế thứ 20, ứng với Thiên Tốc Tinh.
Năm xưa, khi Tống Giang gặp nạn vì đề thơ làm phản ở lầu Tầm Dương, Đới Tung đã đồng mưu với các anh hùng Lương Sơn ngụy tạo thư của Sái Kinh để cứu Tống Giang. Kế hoạch bị phát hiện, Đới Tung bị phán án tử, sau đó may mắn được cứu thoát và lên gia nhập Lương Sơn.
Kể từ lúc Tống Giang tiếp nhận chiêu an, Đới Tung đã luôn sát cánh theo huynh trưởng nam chinh bắc phạt. Mặc dù không có công chém tướng đoạt thành nhưng lại góp sức không nhỏ vào việc truyền đạt quân tình, quân lệnh.
Đối với Tống Giang mà nói, Đới Tung chính là một trong số những tâm phúc ủng hộ ông nhiều nhất. Vào những thời khắc quyết định, người huynh đệ này luôn dành cho Tống Công Minh sự tin tưởng và ủng hộ vô cùng kiên định.
Sau khi nghe tin đại ca Tống Giang bị gian thần hại chết, Đới Tung mặc dù không hy sinh tính mạng để tuẫn tiết theo huynh trưởng giống như Ngô Dụng, Lý Quỳ nhưng ông đã quyết định trả lại quan bằng, trở về châu Thái An làm thủ từ, sống nửa đời còn lại với việc lo nhang khói, thờ phụng.