3 bài tập thở siêu dễ giảm khó thở cho F0
(Kiến Thức) - Trong lúc chờ đợi nhân viên y tế tới hỗ trợ, 3 bài tập thở chúm môi, thở cơ hoành, thở buteyko sẽ giúp giảm triệu chứng khó thở cho F0 .
Để giúp F0 điều trị tại giảm khó thở, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn 3 bài tập thở sau:
Thở chúm môi
Động tác chúm môi là bài tập thở vừa tạo công đẩy khí ứ trong các phế nang ra ngoài, vừa cản bớt khí để giữ áp lực và không làm xẹp đường thở trong thì thở ra. Từ đó giúp phổi thông khí tốt hơn và tăng lưu lượng oxy.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế tư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể.
- Hít vào bằng mũi, mím môi (hai giây).
- Nếu được, nín thở trong ba giây.
- Chúm môi để thở ra bằng miệng (4 giây).
- Lặp lại động tác hít vào, mím môi - thở ra, chúm môi cho đến khi nào cảm thấy giảm cảm giác khó thở.
Lưu ý: thời gian hít vào chỉ bằng nửa thời gian thở ra.
Thở cơ hoành/thở bụng
Tập thở cơ hoành giúp cơ hoành hoạt động mạnh hơn để hỗ trợ hô hấp.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên ghế, người hơi ngửa ra sau.
- Đặt một tay trên bụng và một tay trên ngực.
- Hít thở chậm và cảm nhận di chuyển của ngực và bụng.
- Hít vào bụng nhô lên sau đó nín thở 1-2 giây và thở ra, bụng xẹp xuống.
- Tập luyện thường xuyên để tăng sức mạnh cơ hoành. Mỗi lần có thể tập 3-6 động tác rồi tăng lên, mỗi ngày 3-6 lần.
- Lưu ý: Khi thở đúng, tay đặt trên ngực ít di chuyển, tay đặt trên bụng di chuyển lên xuống theo nhịp thở. Bụng sẽ phình lên mỗi khi hít vào và xẹp xuống mỗi khi thở ra. Hít sâu vừa sức cùng với thở ra vừa sức. Không nên gắng sức khi tập thở cơ hoành.
Thở buteyko
Kiểu thở này giúp làm giảm thể tích thông khí và tần số hô hấp, giúp thở chậm và bình tĩnh hơn, làm dịu tình trạng khó thở, tốt cho các trường hợp F0 tại nhà có tâm lý lo lắng, hoảng sợ do dịch bệnh mặc dù phổi chưa tổn thương. Cách thở này giúp cải thiện tình trạng khó thở hoặc giúp cho người có bệnh lý hô hấp mãn tính.
Cách thực hiện:
- Bắt đầu bằng động tác hít vào - thở ra nhẹ nhàng.
- Khi chưa kết thúc thì thở ra, bạn hãy nín thở và đếm thầm cho đến khi hết nín thở được thì hít thở bình thường.
- Tập mỗi lần 5-7 động tác, lặp lại 3-4 lần/ngày.
Nếu F0 điều trị tại nhà tiết nhiều đờm dịch thì tập kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho như sau:
Kỹ thuật thở chủ động
- Thở có kiểm soát: Hít thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây.
- Căng giãn lồng ngực: Hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 - 3 giây và thở ra nhẹ nhàng, lặp lại 3 - 5 lần.
- Hà hơi: Hít thật sâu, nín thở 2 - 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài, lặp lại từ 1 - 2 lần.
Kỹ thuật ho hữu hiệu
- Thở chím môi: Trong khoảng từ 5 - 10 phút giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản lớn hơn.
- Tròn miệng hà hơi: 5 - 10 lần, tốc độ tăng dân giúp đẩy đờm ra khí quản.
- Ho: Hít hơi vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 1 - 2 lần. Lần 1 ho nhẹ, lần 2 ho mạnh để đẩy đờm ra ngoài.