Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn ngày 14/11/2019 đề nghị 10 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Định kiểm tra, xác minh thông tin ghi nhận tình trạng tử vong trên dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT.
Kết quả kiểm tra, xác minh phát hiện 27 trường hợp bệnh nhân sau tử vong vẫn khám, chữa bệnh BHYT thuộc các đơn vị y tế: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Quy Nhơn và các TTYT huyện, thị xã, thành phố: Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Phù Cát, thị xã An Nhơn và Tây Sơn.
Các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. |
Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh thời gian qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Nguyên nhân chủ yếu do một số bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn; sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh. Do vậy, dư luận đặt câu hỏi về sự việc trên là do nhầm lẫn hay cố tình trục lợi?
Liên quan vụ việc trên, chiều 11/12, ông Võ Năm, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định xác nhận, cơ quan này vừa có báo cáo kiểm tra, xác minh thông tin ghi nhận tình trạng bệnh nhân tử vong vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh đề nghị thanh toán BHYT trên dữ liệu gửi BHXH Việt Nam. Sau khi kiểm tra, phát hiện 27 trường hợp “khai tử” nhầm.
“Sau khi kiểm tra 10 đơn vị thì có 27 trường hợp bị nhầm lẫn, thực ra các trường hợp này còn sống chứ không hề tử vong. Nguyên nhân được xác định do trong quá trình thao tác, nhân viên y tế đã kích nhầm ô bệnh nhân “ổn định, ra viện” thành ô “tử vong” trên hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ quản lý khám chữa bệnh BHYT”, ông Võ Năm cho biết.
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định, 27 trường hợp này còn sống chứ không hề tử vong nên việc chi trả bảo hiểm là đúng chứ không phải gian lận.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, toàn bộ hồ sơ của các trường hợp tử vong là bị tích nhầm. Khi bệnh nhân ra viện, đáng lẽ nhân viên bệnh viện tích vào ô “khỏi, đỡ, giảm” nhưng lại tích vào ô tử vong và cho rằng, cần hết sức rút kinh nghiệm.
Mời độc giả xem thêm video Nhận biết dấu hiệu trục lợi BHYT:
Nguồn VTC1.