Tăng là xu hướng chủ đạo của MSCI châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay, với mức tăng từ đầu năm đã đạt 33% - Ảnh: Reuters. |
Năm nay, sự khởi sắc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp và giá hàng hóa cơ bản, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức thấp tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo hãng tin Reuters, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản đang có sự điều chỉnh sau khi 3 tuần tăng liên tiếp đưa chỉ số này lên gần mức đỉnh của 10 năm. Tăng là xu hướng chủ đạo của MSCI châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay, với mức tăng từ đầu năm đã đạt 33%.
Các thị trường lớn đều tăng mạnh
Một trong những thị trường dẫn đầu sự tăng điểm trong khu vực là chứng khoán Hồng Kông với mức tăng 36% từ đầu năm, chứng khoán Hàn Quốc tăng 22%, còn chứng khoán Ấn Độ tăng 27%.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật và S&P 500 của chứng khoán Mỹ cùng tăng khoảng 20%, trong khi Dow Jones tăng gần 25%.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số DAX của chứng khoán Đức tăng gần 14%, trong khi FTSE của chứng khoán Anh tăng 7%.
Ông Craig James, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc công ty quản lý quỹ đầu tư CommSec ch biết, trong số 73 sàn giao dịch chứng khoán mà công ty này theo dõi trên toàn cầu, chỉ có 9 sàn là không tăng điểm troing năm nay.
"Về triển vọng năm tới, vấn đề cốt lõi là liệu tốc độ tăng giá cả có còn chậm như năm nay hay không. Nếu lạm phát yếu tiếp diễn, thì các ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng", ông James nói. "Toàn cầu hóa và thay đổi về công nghệ đã có ảnh hưởng trong việc giữ lạm phát ở mức thấp. Nói cách khác người tiêu dùng có thể mua hàng hóa bất kỳ khi nào và ở đâu họ muốn".
Trong số các nhóm cổ phiếu ngành, cổ phiếu công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất năm 2017, với mức tăng hơn 37%.
Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á
Diễn biến giá trị vốn hóa các thị trường chứng khoán Việt Nam, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ qua các năm (đơn vị: tỷ USD) - Nguồn: Bloomberg. |
Theo số liệu mà hãng tin Bloomberg đưa ra, chứng khoán Việt Nam - một thị trường chứng khoán sơ khai (frontier market) - chính là thị trường có mức tăng điểm mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm tại khu vực châu Á trong năm nay.
Chỉ số VN-Index đã tăng 47% từ đầu năm, một phần nhờ các đợt bán cổ phần của các công ty nhà nước. Với mức tăng như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam được Bloomberg dự báo có thể sớm vượt quy mô của thị trường chứng khoán Ba Lan.
Trong khi giới đầu tư chứng khoán thế giới có một năm ăn nên làm ra, các nhà đầu cơ giá lên đồng USD lại không được may mắn như vậy.
USD xuống giá
Vào thời điểm đầu năm, đa phần các dự báo đều cho rằng USD sẽ tăng giá, một phần bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, một phần bởi những kỳ vọng của giới đầu tư vào các chính sách kinh tế thân thiện với tăng trưởng của Tổng thống Donald Trump.
Nhưng dù FED đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và ông Trump cũng đã đạt một kế hoạch cải tổ thuế, tỷ giá đồng USD vẫn không thể tăng. Trái lại, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã giảm 9% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003.
Trong khi đó, đồng Euro đã tăng 14% từ đầu năm so với USD, đạt mức 1 Euro tương đương 1,1942 USD trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Sáu tại thị trường châu Á.
So với đồng Yên Nhật, đồng USD đã giảm 3,4%, còn 1 USD tương đương 112,89 Yên.
Vàng, dầu cùng tăng giá
Sự giảm giá của đồng USD đã giúp giá của các loại hàng hóa cơ bản định giá bằng USD tăng. Ngoài ra, giá hàng hóa cơ bản còn tăng nhờ sự khởi sắc của thương mại toàn cầu và nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.
Giá các mặt hàng từ than đến quặng sắt đồng loạt tăng. Trong đó, giá đồng tăng vào hàng mạnh nhất, một phần nhờ kỳ vọng vào sự gia tăng nhu cầu đồng sử dụng để sản xuất ô tô chạy điện. Vào ngày thứ Sáu, giá đồng đạt mức gần cao nhất 4 năm là 7.286 USD/tấn. Năm nay, giá đồng đã tăng hơn 30%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009.
Dù chững lại mấy tháng gần đây, giá vàng cũng đã tăng 12% từ đầu năm, đạt mức gần 1.300 USD, nhờ đồng USD xuống giá. Đà tăng của giá vàng bị cản lại một phần do lạm phát trên toàn cầu ở mức thấp.
Giá dầu thế giới hiện đang ở mức cao nhất 2 năm rưỡi do nhu cầu tiêu thụ tăng trên toàn cầu và nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga. Giá dầu Brent tại thị trường London hiện ở mức hơn 66 USD/thùng, tăng hơn 16% từ đầu năm. Giá dầu ngọt nhẹ tại Mỹ đang ở sát mốc 60 USD/thùng.