Ngày 26/5, tại Quảng trường Lương Văn Nắm, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang), UBND huyện Tân Yên phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang tổ chức “Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản năm 2021”.
Đây là năm thứ 2 trái vải thiều Bắc Giang thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản với sự tham gia tích cực của các DN như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty CP Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn cầu và Công ty CP Quốc tế Bambo.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định, lễ cắt băng xuất hành chuyến vải thiều sớm Tân Yên đến thị trường Nhật Bản là một trong những sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của chính quyền, Nhân dân tỉnh Bắc Giang sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để tiêu thụ vải thiều tuyệt đối an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sơ chế vải thiều sớm Tân Yên trước khi xuất khẩu. Ảnh: Báo Bắc Giang |
Năm nay, toàn huyện Tân Yên có hơn 1.300ha vải, sản lượng ước đạt 14.000. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện tập trung cao bảo đảm cho các vùng vải thiều sạch - không bị tác động của dịch bệnh Covid-19. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm kéo dài đến ngày 15/6.
Để bảo đảm chất lượng vải cũng như an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, huyện Tân Yên đã tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải không đi ra khỏi địa bàn. Đồng thời lập các tổ chốt kiểm soát người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung, bảo đảm quy định phòng dịch.
Báo cáo của tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó vải chín sớm là 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải). Diện tích vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... diện tích 218ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn. Vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để tiêu thụ vải thiểu năm 2021 đạt kết quả tốt, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng Kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, kịnh bản 1: Dịch bệnh covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn.
Vải sớm huyện Tân Yên đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Lan |
Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn.
Đề hỗ trợ người nông dân, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh năm 2021. Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản có nhiệm vụ nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và nhu cầu tiêu thụ nông sản của Nhân dân; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở kết nối với người sản xuất và thị trường tiêu thụ như nhà máy chế biến, DN xuất khẩu, siêu thị, bếp ăn tập thể và thương nhân... Đồng thời tổ chức, xây dựng và hướng dẫn địa phương các biện pháp thu hoạch, đóng gói và vận chuyển nông sản để tiêu thụ.
Thông tin từ Sở Công Thương Bắc Giang, tính đến nay, toàn tỉnh thu hoạch và tiêu thụ hơn 2.000 tấn vải sớm; giá bán dao động từ 16.000 - 27.000 đồng/kg, tập trung chủ yếu tại xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) và một số xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn.