Zing chia sẻ trải nghiệm vay nợ mua nhà của Tuyền Nguyễn (sinh năm 1988 ở Hà Nội).
Tôi vay nợ, mua nhà chung cư khi chỉ có 400 triệu đồng
Từ khi còn là sinh viên, tôi đã ước mơ sẽ mua được một căn hộ chung cư ở Hà Nội. Ước mơ đó theo tôi mãi đến khi ra trường, lấy chồng ở quê Vĩnh Phúc.
Để tiết kiệm tiền, tôi ngày ngày ngồi xe bus, đi đi về về 40 km từ Vĩnh Phúc đến Hà Nội để làm việc.
Năm 2018, vợ chồng tôi có trong tay 400 triệu đồng. Tôi vẫn nghĩ cố tích cóp thêm rồi từ từ mua nhà. Tuy nhiên, một anh đồng nghiệp của tôi đã mua nhà hơn 1 tỷ khi trong tay chỉ có 200 triệu đồng. Điều này khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Bởi lẽ, khi tôi tiết kiệm được một số tiền lớn thì có lẽ, giá nhà lại tiếp tục vượt quá khả năng của tôi. Vậy nên, 2 vợ chồng quyết định liều lĩnh vay nợ ngân hàng.
Căn nhà rộng hơn 60 m2 có giá 1,4 tỷ đồng. Tôi vay ngân hàng 600 triệu đồng, lãi suất ưu đãi năm đầu là 7%. Cộng với số tiền để dành, tôi đủ tiền để đóng 70% giá trị căn nhà.
|
Căn nhà này đến với tôi như một cái duyên. Được một người quen giới thiệu một dự án khá gần chỗ làm với mức giá phù hợp, tôi đi xem rồi ưng ý ngay.
Ngày đến cọc nhà, vợ chồng tôi hẹn anh chủ nhà ở quán cà phê mà lo lắng đến mức còn nghĩ cách… đi về. Cuối cùng, chúng tôi vẫn quyết định “chốt đơn”. Mua được nhà vừa phấn khởi vừa áp lực về khoản nợ - với chúng tôi có thể xem là khổng lồ.
Tôi làm việc tại một công ty thiết kế, chồng tôi kỹ sư ống gió. Thu nhập này chỉ có thể giúp chúng tôi đủ chi trả cho cuộc sống và có một tiết kiệm nhỏ. Trước đây tôi từng thử kinh doanh thời trang rồi thất bại nên lại quay về làm công ăn lương.
Từ ngày phải gánh nợ, tôi và chồng “cày” không ngừng nghỉ. Chúng tôi nhận thêm công việc ngoài giờ, chăm chỉ làm thêm để có tiền trả nợ. Các khoản chi tiêu, ăn uống, mua sắm được siết chặt ở mức tối đa. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn vui vẻ và miệt mài làm việc vì đã có một mục tiêu cụ thể và rõ ràng.
Đến cuối năm 2019, vợ chồng tôi được nhận nhà. Đây cũng là lúc chúng tôi đã tích cóp được đủ số tiền nợ ngân hàng là 600 triệu. Khoản tiền còn lại chúng tôi lại tiếp tục tích cóp để trả hết khi có sổ hồng.
Sợ nợ nhưng vẫn phải nợ
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trả được khoản nợ lớn trong thời gian ngắn như vậy. Khoản nợ là áp lực đồng thời cũng là động lực để cả 2 vợ chồng tôi cùng cố gắng.
Sắp tới vì có thêm em bé nên tôi sẽ chuyển sang một căn hộ mới rộng khoảng 100 m2 có giá 3,5 tỷ. Lần này, hai vợ chồng tiếp tục phải vay ngân hàng thêm 1 tỷ.
|
Nói thật, tôi sợ nợ. Đã từng trả được nợ rồi nhưng tôi vẫn sợ cảnh nợ nần. Nhưng tôi nghĩ nếu muốn mua nhà, ít người tránh được cảnh nợ nần. Vì sợ nên vay nợ khiến người có cố gắng hơn, có động lực hơn. Sợ nợ lâu lãi suất ngày càng cao nên phải cố gắng làm cho đủ tiền để trả nợ.
Sau khi trả hết khoản nợ sắp tới có lẽ tôi sẽ dừng việc vay mượn. Hoàn thiện căn nhà mới xong tôi muốn mình có thể thoải mái, ngồi yên và tận hưởng.
Trước khi mua nhà chung cư, tôi cũng nghe nhiều người khuyên nên mua đất vì nó có giá trị lâu dài và bền vững hơn. Tuy nhiên, với 1 tỷ đồng cả tiền đi vay lúc đó, tôi chỉ có thể chật vật tìm một miếng đất ở xa trung tâm, trong các con hẻm chật chội. Chưa kể, mua đất rồi cũng chẳng còn tiền để xây nhà.
|
Sau 3 năm sống ở chung cư, tôi thấy mình đã có một lựa chọn đúng đắn. Con cái tôi có thể vui chơi, chạy nhảy thoải mái ở công viên. Bé nhà tôi đang học lớp 3, học online nên tôi để cháu ở nhà một mình vì bố mẹ đi làm hết. Dù vậy, tôi vẫn yên tâm vì chung cư có camera giám sát dọc hành lang và bảo vệ trực các sảnh 24/24h.
Các tiện ích trong chung cư như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hồ bơi cũng giúp tôi có cuộc sống nhẹ nhàng, tiết kiệm thời gian di chuyển và mua sắm.