"Cửu tử đoạt đích" là sự kiện nổi tiếng và vô cùng quan trọng trong lịch sử triều đại nhà Thanh, nguyên nhân là do Thái tử Dận Nhưng bị phế truất hai lần, Khang Hy đã nói trước mặt quan thần rằng: “Dận Nhưng từ khi được lập Thái tử lại lần 2, tật xấu chưa bỏ, làm mất lòng tin của người khác, hoằng nghiệp tổ tông không thể phó thác cho người này”.
Hay nói cách khác, Dận Nhưng sẽ bị phế truất, còn những hoàng tử khác đều có cơ hội. Tuy nói là cửu tử đoạt đích, nhưng người có thực lực thực sự thì không nhiều như vậy. Tam A Ca Dận Chỉ, Tứ A Ca Dận Chân và Bát A Ca Dận Tự là những người có hy vọng lớn nhất.
Bát A Ca nhỏ hơn Tứ A Ca (sau này là vua Ung Chính) 3 tuổi, ban đầu không hề được coi trọng, thậm chí có thể nói là bị ghẻ lạnh bởi mẫu thân của ông là Vệ Thị xuất thân từ Tân Giả Khố. “Tân Giả Khố” là nơi nào? Theo ghi chép trong “Thanh hoàng thất tứ phổ”, Tân Giả Khố là nơi ở của những nô bộc mang tội, phải làm những công việc cực khổ nhất trong cung. Trong chốn hậu cung coi trọng bối cảnh xuất thân thì người xuất thân thấp kém như Vệ Thị hoàn toàn không có ưu thế.
Có lẽ là vì ông trời cũng ưu ái cho Vệ Thị nên có một lần Khang Hy đi dạo một mình trong cung đã vô tình gặp bà đang làm việc, vừa gặp đã bị thu hút bởi ngoại hình xuất chúng và tính cách dịu dàng, hiền hậu của bà nên đã đưa về thị tẩm. Hơn 10 tháng sau thì Bát A Ca chào đời. Cùng với sự lớn lên của Bát A Ca, Khang Hy cảm thấy mọi mặt của cậu ngày càng giống mình, vẻ ngoài anh tuấn, đối nhân xử thế đúng chuẩn mực, thế nên đã giao cho người có thân phận cao quý là Huệ Phi nuôi dưỡng.
Bát A Ca vô cùng thông minh, tự biết bối cảnh của mình không thể nào so bì với những huynh đệ khác, nếu muốn nổi bật hơn thì phải bỏ ra nỗ lực nhiều hơn, tranh thủ sự công nhận của nhiều quan thần hơn, chỉ có như vậy mới có thể tiến gần hơn với vị trí người thừa kế. Cư xử với các đại thần đều lịch sự, lễ phép, chẳng hề tỏ ra cao ngạo, cư xử hòa thuận với các huynh đệ, ngay cả huynh đệ ruột thịt của vua Ung Chính là Dận Trinh cũng phải khâm phục Bát A Ca.
Trái tim con người cũng chẳng phải sắt đá, sự hy sinh, nỗ lực của Bát A Ca dần có thành quả, đại bá Dục Thân Vương cực kỳ xem trọng và đánh giá cao người cháu tài giỏi này, trước lúc lâm chung còn nói với Khang Hy rằng: “Dận Tự có tài năng nổi bật, đức hạnh toàn tài, có thể xem xét lập làm trữ quân”. Tuy Khang Hy khi ấy không nói gì nhưng đã ghi nhớ câu nói này của Dục Thân Vương. Đại thần được Khang Hy trọng dụng Lý Quang Địa đã từng nói thẳng trên triều đường rằng: “Chư vương hiện tại, Bát Vương là người hiền tài nhất”.
Người được đại bá, quan thần đứng ra ủng hộ, hơn nữa còn trí dũng song toàn như Bát A Ca, tại sao cuối cùng lại bị thua bởi Tứ A Ca Dận Chân? Về tổng thể, chỉ vì ông có 2 khuyết điểm chí mạng, nếu không thì lịch sử nhà Thanh đã khác.
Bát A Ca nổi tiếng là người con hiếu thảo, điều này vốn dĩ chẳng có gì sai nhưng vì có một chuyện xảy ra khiến Khang Hy phẫn nộ vô cùng. Năm Khang Hy thứ 53, Bát A Ca theo phụ hoàng tới Nhiệt Hà tuần thị, trên đường đi lại tự ý tới thắp nhang cho mẫu thân Vệ Thị, hơn nữa còn kêu tùy tùng của mình mang cho Khang Hy 2 con chim ưng đã chết. Lúc này, Khang Hy đã ngoài 60 tuổi, khá kiêng kị, sợ hãi những thứ như cái chết. Ông cho rằng con trai Dận Tự tặng chim chết cho mình là trù ẻo mình, vì thế đã nói với các hoàng tử và đại thần rằng: “Từ nay trẫm và Dận Tự, đoạn tuyệt tình cha con”.
Nói một cách khách quan, Bát A Ca giỏi việc xử lý các mối quan hệ, quan hệ giữa ông với quan văn quan võ đều rất tốt, nếu như để ông ngồi lên ngai vàng thì sẽ không gặp khó khăn trong ứng xử với các quan thần. Nhưng Khang Hy lúc cuối đời lại không có sự tài trí, minh mẫn như trời trẻ, thiếu đi sự sắc bén khiến quan thần tham ô, lộng quyền, ông hiểu rằng phải có một trữ quân đủ độc ác, đủ mạnh mẽ thì mới có thể át đi được sự ngông cuồng của quan thần trong triều.
Vì thế, Tứ A Ca hoàn toàn phù hợp hơn Bát A Ca. Thế nên ông đã chọn Dận Chân và cách làm của Ung Chính sau này cũng đã nghiệm chứng con mắt nhìn người của ông.