Tào Tháo (155 – 220) tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam quốc. Ông được con trai truy tôn là Thái Tổ Vũ Hoàng đế.
Khi còn sống Tào Tháo đã gây thù chuốc oán với nhiều người, nên có rất nhiều kẻ thù. Bởi vậy, bên cạnh Tào Tháo luôn có những cận vệ sở hữu sức mạnh phi thường khiến cho đối thủ phải khiếp sợ.
Điển ViĐiển Vi (? – 197) là người Kỷ Ngô quận Trấn Lưu. Ông là một mãnh tướng của Tào Tháo thời cuối Đông Hán. Điển Vi có tướng mạo kiên hùng, sức khỏe hơn người. Ban đầu ông là người của Trương Mạo sau mới đi theo Tào Tháo. Năm 194, Tào Tháo và Lã Bố giao tranh ở Bộc Dương, bị Lã Bố mang quân vây áp 3 mặt. Hai bên giao chiến từ sáng đến chiều vài chục lần, quân Tào vẫn không thoát ra được. Tào Tháo cử một toán quân cảm tử đi đầu phá vây, Điển Vi bắt lá thăm ra trận, bèn mang theo mấy chục người.
Ông bảo quân lính mặc mấy lần áo giáp, không mang khiên che đỡ, chỉ dùng đoản kích và trường mâu ra trận. Đúng lúc phía tây nguy cấp gọi cứu viện, Điển Vi liền dẫn quân xông đến. Quân Lã Bố bắn ra nhiều tên, ông vẫn xông lên phía trước, chỉ dặn thủ hạ khi nào quân địch còn cách 10 bước, rồi 5 bước thì nhắc. Khi được nhắc đúng tầm khoảng cách, Điển Vi cầm hơn 10 cây đoản kích ném ra, liên tiếp trúng quân Lã Bố. Quân Lã Bố sợ hãi phải rút lui. Tào Tháo nhân đó mang quân ra mở đường chạy thoát. Nhờ lập công trận này, Điển Vi được Tào Tháo phong làm Đô úy, cho hộ vệ bên cạnh, mang theo 500 quân lính tinh nhuệ.
Kiến An năm thứ hai (Công Nguyên 197), Trương Tú phản bội Tào Tháo, Điển Vi một mình chống lại phản quân bảo vệ chủ công, giết chết rất nhiều kẻ địch, nhưng cuối cùng vì kẻ địch vây hãm quá đông mà tử trận.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Điển Vi là một mãnh tướng nổi bật trong thời kỳ gây dựng lực lượng của Tào Tháo. Tác giả ghép cảnh Điển Vi hùng dũng giữ vững lá cờ to khi có gió mạnh trong trại quân Tào, thực ra Điển Vi làm việc này khi còn phục vụ cho Trương Mạo.
Hứa ChửHứa Chử (? – 230) tự Trọng Khang, là công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy thời Tam tuốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là tướng hầu cận bên Tào Tháo, nổi tiếng không chỉ với sức khỏe phi thường mà còn với sự trung thành, tận tụy, hết lòng vì chủ.
Cuối thời Đông Hán thiên hạ loạn lạc, nhiều quân cướp nổi dậy cướp bóc. Hứa Chử tập hợp họ hàng, khách khứa dựng dinh lũy chống lại quân cướp. Hơn 1 vạn quân cướp từ Cát Bì, Nhữ Nam đến đánh vùng quê ông. Hứa Chử cùng các thủ hạ ra sức chiến đấu nhưng lực lượng ít ỏi, bắn hết tên đạn. Ông hạ lệnh cho toàn thể nhân dân, cả già trẻ trai gái cùng xung trận, khuân đá lớn chất đầy 4 góc dinh lũy. Sau đó tự ông vác đá lớn ném địch. Quân cướp nhiều người bị trúng đá chết tan xác nên sợ hãi không dám lại gần.
Lương thực hết, Hứa Chử phải xin giảng hòa, đề nghị đổi trâu lấy lương thực. Khi quân địch giao lương thực rồi đến lấy trâu, Hứa Chử xông ra cầm đuôi trâu lôi ngược lại hơn 100 bước. Quân địch thấy ông hùng dũng đều sợ hãi không dám đến lấy trâu nữa, lũ lượt rút lui. Từ đó danh tiếng Hứa Chử nổi tiếng khắp vùng.
Sau này Hứa Chử xin được đi theo Tào Tháo, khi Điển Vi tử trận, ông chủ yếu phụ trách công việc bảo vệ Tào Tháo. Trong trận chiến Quan Độ, khi phát hiện Từ Tha có âm mưu hành thích Tào Tháo, Hứa Chử ra tay giết sạch Từ Tha cùng những thích khách.
Trong trận Vị Thủy, Hứa Chử mang trọng giáp mũ sắt, che chở cho Tào Tháo khỏi mưa tên, giúp Tào Tháo sang sông an toàn. Lúc Tào Tháo qua đời, Hứa Chử khóc đến thổ huyết. Sau đó Hứa Chử theo phục vụ con trai Tào Tháo là Tào Phi. Ông được phong là Vạn Tuế đình hầu. Đến thời Ngụy Minh Đế Tào Tuấn, ông được phong là Mâu Hương hầu. Không lâu sau thì Hứa Chử bệnh mất, được phong là Tráng hầu.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Hứa Chử được mô tả là một viên mãnh tướng có sức khỏe. Ông được gọi là Hổ hầu. Ông từng đọ sức với các viên tướng nổi tiếng có sức lực khác như Điển Vi, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và đó là những cuộc đấu không phân thắng bại vì ngang sức ngang tài.
Hứa Chử còn được mô tả là một trung thần tận tụy bảo vệ Tào Tháo trong các cuộc chiến như trận Xích Bích (cưỡi ngựa chưa kịp đóng yên ra đánh nhau với Trương Phi), Trận Đồng Quan (vừa chèo thuyền qua sông trốn chạy quân Tây Lương vừa che đỡ cho Tào Tháo) và giết mưu sĩ Hứa Du đã xúc phạm Tào Tháo. Ông luôn hăng hái xung trận đánh địch và được Tào Tháo rất tin cậy.