Vụ trực thăng Mi-171 rơi trong lúc đang làm nhiệm vụ tại khu vực Láng – Hòa Lạc khiến 18 chiến sĩ tử nạn và 3 người bị thương đã khiến người dân vô cùng thương xót. Nhiều người băn khoăn liệu các quân nhân hy sinh trong vụ này có được phong liệt sĩ hay không, điều kiện để phong liệt sĩ trong thời bình là gì?
Để giải đáp thắc mắc này, PV Kiến Thức đã trao đổi với Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông Tuấn cho biết, 18 chiến sĩ này chắc chắn sẽ được phong tặng danh hiệu liệt sĩ, vì theo quy định, họ đủ điều kiện để nhận danh hiệu này.
18 chiến sĩ tử nạn trong vụ trực thăng Mi-171 rơi ngày 7/7 sẽ được phong tặng danh hiệu liệt sĩ. |
“Những người tử nạn hôm qua thuộc trường hợp "huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân" nên hoàn toàn có đủ điều kiện để được công nhận là liệt sĩ. Còn quy trình làm thủ tục thì trước tiên Bộ Quốc phòng lập hồ sơ kèm theo danh sách những người được đề nghị phong tặng danh hiệu liệt sĩ gửi sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Cục Người có công của Bộ này sẽ xem xét từng trường hợp có đủ điều kiện là liệt sỹ hay không. Sau đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian để các chiến sĩ trên được công nhận liệt sĩ lâu hay không phụ thuộc vào nhiều cấp, nhưng ở khâu chúng tôi sẽ cố gắng làm nhanh nhất có thể”, ông Tuấn nói.
Theo quy định, việc xem xét một cá nhân nào đó có đủ điều kiện để được phong tăng danh hiệu liệt sĩ hay không căn cứ vào quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP về “hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”.
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 11 sửa đổi, bổ sung. Cụ thể nội dung pháp lệnh như sau:
“1. Liệt sỹ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
d) Làm nghĩa vụ quốc tế;
đ) Đấu tranh chống tội phạm;
e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
i) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
k) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát;
I) Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này.”