Gần hai năm nay, gia đình chị Đàm Thị Đẹp (thôn 8, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) quay lại với nghề trồng dâu nuôi tằm. Từng gắn bó với nghề này nhưng do đầu ra bấp bênh, thời kỳ trước, vợ chồng chị Đẹp bỏ nghề để đi tìm việc khác một thời gian.
Gia đình chị Đàm Thị Đẹp trở lại với nghề nuôi tằm gần 2 năm nay (Ảnh: Đặng Dương).
|
Từ nguồn vốn giảm nghèo, gia đình chị Đẹp được hỗ trợ vay vốn, tái sản xuất theo hình thức chăn nuôi tằm khép kín.
Thay vì nuôi trong nhà tạm như trước, gia đình chị Đẹp xây dựng một căn nhà cấp 4, rộng khoảng 80m2 để tằm có không gian sinh trưởng phù hợp.
Giới thiệu về nơi nuôi tằm, chị Đẹp dí dỏm nói, khu vực nuôi tằm khang trang, kiên cố hơn nơi mà gia đình chị đang ở. Tuy nhiên cũng nhờ đầu tư nâng cấp chuồng trại mà tằm sinh trưởng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tằm được nuôi thả dưới nền đất, hạn chế được tình trạng xây xát ở da (Ảnh: Đặng Dương).
|
"Tằm được thả nuôi ngay dưới nền đất để tránh bị xây xát, đồng thời tiết kiệm được chi phí dọn dẹp, vệ sinh sau mỗi mùa thu hoạch", chị Đẹp cho hay.
Theo kinh nghiệm, tằm thường xuyên bị ruồi tấn công. Chính vì thế, hai năm qua người dân xã Quảng Hòa đã mách nhau cách "mắc màn" cho tằm ở.
Bằng phương pháp này, tình trạng tằm nhiễm bệnh, mưng mủ được hạn chế tối đa, giúp người dân giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong quá trình sản xuất.
"Mỗi tháng, gia đình tôi có thể nuôi được 2 lứa tằm (trung bình 15 ngày/lứa). Với giá kén khoảng 200.000-220.000 đồng/kg, mỗi lứa tằm, gia đình tôi thu được khoảng 7-7,5 triệu đồng nhờ bán kén", chị Đẹp thông tin thêm.
Nuôi tằm trong nhà yêu cầu người nuôi tuân thủ các quy định về vệ sinh và thường xuyên gia cố lại hệ thống nhà màn (Ảnh: Đặng Dương). |
Cũng theo chia sẻ của chị Đẹp, việc nuôi tằm trong nhà màn yêu cầu phải tuân thủ các quy trình về vệ sinh. Mỗi khi cho tằm ăn, người nuôi phải sát khuẩn, đồng thời thường xuyên gia cố lại màn để tránh côn trùng xâm nhập vào trong phòng nuôi tằm.
Cũng như chị Đẹp, vài năm trước, do thiếu vốn nên chị Ma Thị Sâm, thôn 7, xã Quảng Hòa chỉ đầu tư nuôi tằm với quy mô nhỏ.
Theo chị Sâm, trước đây, nghề nuôi tằm vất vả, tằm dễ nhiễm bệnh nên hiệu quả nuôi không cao. Từ ngày mô hình nuôi tằm dưới nền đất và sử dụng màn chống côn trùng được áp dụng, nông dân không phải chịu cảnh "ăn cơm đứng" và chịu thiệt hại do tằm nhiễm bệnh chết.
Người dân xã Quảng Hòa mách nhau cách nuôi tằm trong nhà màn để hạn chế bệnh mưng mủ (Ảnh: Đặng Dương). |
"Nhờ thay đổi cách nuôi trồng, nghề nuôi tằm, chăm kén và quá trình thu hoạch cũng đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều. Những năm gần đây, giá kén ổn định, với mỗi hộp tằm (khoảng 1kg tằm giống), nông dân có thể thu được 15 triệu đồng/tháng", chị Sâm cho hay.
Theo UBND xã Quảng Hòa, năm 2022 và 2023, toàn xã có 150 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm, với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng.
Nhiều hộ nghèo xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông có cơ hội thoát nghèo nhờ nuôi tằm (Ảnh: Đặng Dương).
|
Ông Trần Quang Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, đánh giá: "Trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với định hướng của địa phương, giúp khai thác tối đa thế mạnh về tự nhiên và con người. Nuôi tằm chi phí thấp, vòng quay vốn nhanh, giá kén ổn định nên thực tế rất nhiều nông hộ thoát nghèo và làm giàu từ nghề này".