Nhiều dư luận ồn ào liên quan tới lô 144 xe ô tô "siêu sang" đã qua sử dụng bị bắt ở Quảng Ninh sau khi Bộ Công an phá chuyên án 113D triệt phá đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh vào năm 2013 do trùm buôn lậu Dũng "mặt sắt" cầm đầu đã được bán đấu giá theo quy định.
143 xe vi phạm pháp luật bị thu giữ đã được bán đấu giá với hơn 106 tỷ đồng. |
Liên quan tới lô xe bị bắt trong vụ án của trùm buôn lậu Dũng "mặt sắt" và 144 xe ô tô được bán ra thị trường làm xôn xao dư luận những ngày qua, chiều 7/9, Tổng cục Hải quan đã có thông tin chính thức trả lời về vấn đề này.
Trước đó, một số báo, trang mạng điện tử đã đăng tải thông tin rằng các cơ quan chức năng đã bán một phần trong số 144 xe ô tô bị bắt trong vụ án Dũng "mặt sắt". Vấn đề này, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã khẳng định rằng vụ án Dũng "mặt sắt" chỉ có 59 xe ô tô và tất cả chưa được bán đấu giá vì vụ án chưa được xét xử.144 xe mà một số báo và trang mạng điện tử nói tới là lô xe được Tổng cục Hải quan phát hiện và thu giữ sau khi chuyên án 113D được phá án thành công (trong đó có 1 xe ô tô xác định được chủ hàng, đã chuyển về Quảng Ninh xét xử; còn lại 143 xe vô chủ được chuyển lại Tổng cục Hải quan xử lý - PV).
Trả lời những câu hỏi mà phóng viên đặt ra nhằm làm rõ thông tin xoay quanh việc bán đấu giá lô 143 xe "siêu sang" này, chiều 7/9, ông Đặng Công Thành - Trưởng phòng Xử lý (Cục Điều tra buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đã thông tin rõ.
Theo ông Thành, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an triệt phá thành công đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới do Hà Tuấn Dũng (tức Dũng “mặt sắt”) cầm đầu, Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát và tạm giữ 144 xe ô tô đã qua sử dụng tạm nhập tái xuất tại Quảng Ninh.
Sau đó, Tổng cục Hải quan đã chuyển toàn bộ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an để xác minh làm rõ.
Quá trình xác minh cho thấy những chiếc ô tô trên thuộc nhiều thương hiệu khác nhau như Range Rover, Mercedes, Audi… được sản xuất trong thời gian từ năm 2003 đến 2011.
Quá trình điều tra, cảnh sát không làm rõ được đối tượng người nước ngoài và Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội (buôn lậu xe - PV) nên không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã thống nhất chuyển toàn bộ vụ việc cho Tổng cục Hải quan để xử lý theo thẩm quyền.
Theo ông Thành, giá trị lô xe được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) trưng cầu giám định từ Hội đồng Giám định Trung ương nhằm phục vụ điều tra đã định giá với tổng số tiền là gần 16 tỉ đồng. Thời điểm định giá là vào cuối năm 2013.
Sau khi nhận bàn giao hồ sơ cũng như toàn bộ 143 xe ô tô từ công an, Tổng cục Hải quan đã đăng tin tìm chủ xe nhưng không có một tổ chức hay cá nhân nào đến làm việc, nhận là chủ số hàng này.
Căn cứ vào tài liệu do các cơ quan chức năng cung cấp, Tổng cục Hải quan đã thành lập Hội đồng tư vấn xử lý gồm đại diện Cơ quan CSĐT, Cục CSGT, Cục Công sản... để tư vấn cho Tổng cục Hải quan xử lý lô hàng trên.
Sau khi xác định lô hàng vi phạm pháp luật hải quan, nhưng không xác định được chủ sở hữu, Hội đồng tư vấn xử lý đã xác định: về giá trị của lô hàng, cơ quan định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương đã xác định giá trị tại thời điểm bắt giữ là 105 tỉ 811 triệu đồng. Việc thu giữ lô hàng là có cơ sở pháp luật, đề nghị Tổng cục Hải quan ra quyết định thu toàn bộ lô hàng theo quy định của pháp luật.
Sau khi xác định lô hàng vi phạm pháp luật hải quan, nhưng không xác định được chủ sở hữu, Hội đồng tư vấn xử lý đã xác định: về giá trị của lô hàng, cơ quan định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương đã xác định giá trị tại thời điểm bắt giữ là 105 tỉ 811 triệu đồng. Việc thu giữ lô hàng là có cơ sở pháp luật, đề nghị Tổng cục Hải quan ra quyết định thu toàn bộ lô hàng theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các yếu tố trên, Tổng cục Hải quan đã ký hợp đồng để bán đấu giá lô hàng trên với Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP về việc bán đấu giá tài sản và thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này.
Ông Thành khẳng định việc thông tin bán đấu giá lô hàng trên đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, đã được đăng trên web Báo Công an nhân dân vào ngày 3 và 6/7/2015, ngoài ra còn dán niêm yết công khai tại nơi lưu giữ lô xe (trại giam T16, Bộ Công an - PV) và tại Tổng cục Hải quan.
Thông tin thông báo cho hay, đơn vị tổ chức bán đấu giá mở bán hồ sơ đấu giá từ ngày 7 đến hết ngày 9/7 và các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải đặt cọc số tiền 5 tỉ đồng, muộn nhất là ngày 9/7/2015.
"Sau khi công khai, đã có 6 tổ chức, cá nhân đã tham gia đấu giá lô xe nói trên. Phiên đấu giá được tiến hành vào ngày 10/7/2015 với mức giá khởi điểm là 105 tỉ 811 triệu đồng. Sau 9 bước giá (mỗi bước giá là 50 triệu đồng), toàn bộ 143 xe ô tô này đã được bán với mức giá là 106 tỉ 757 triệu đồng", ông Thành nói.
Đơn vị trúng thầu toàn bộ lô xe trên là một công ty ở Hà Nội. Ngay trong ngày 10/7, toàn bộ số tiền này đã được đơn vị trúng thầu thanh toán và nhận lô xe.