Vào trưa ngày 1/10, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bất ngờ tiến hành kiểm tra hành chính quán Karaoke Victory (thôn Đại Lữ, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch) do Nguyễn Thế Hà (SN 1987, trú tại địa chỉ trên) làm chủ. Tại đây, phát hiện có 16 người gồm 13 nữ (có độ tuổi từ 17 đến 30 tuổi) và 3 nam thanh niên, qua kiểm tra chỉ có 1 người xuất trình được chứng minh nhân dân.
Tại cơ quan điều tra Nguyễn Thế Hà khai nhận, số nữ trên đều là nhân viên quán hát. Hà thuê 2 nam thanh niên là Đỗ Mạnh Thắng để quản lý và trông coi các nữ nhân viên trên trong 1 phòng ngủ của quán. Khi các nhân viên muốn đi ra ngoài phải được sự đồng ý và cho phép của Thắng. Nếu những người này có ý định bỏ trốn hoặc không thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Hà thì sẽ bị Thắng và Kế bắt, nhốt vào một phòng riêng của quán, sau đó dùng gậy nhựa đánh và dùng khóa số 8 còng tay vào giường.
Ba đối tượng tại cơ quan công an. |
Liên quan vụ việc trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thế Hà, Đỗ Mạnh Thắng và Hoàng Nhật Kế để tiếp tục điều tra về hành vi giữ người trái pháp luật và củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Tiếp nhận thông tin vụ việc trên, nhiều người dân tỏ ra bức xúc và nghi ngờ rằng, có thể chính quán Karaoke Victory này là nhà thổ, nhà chứa và đề nghị phải xử lý thích đáng đối tượng Nguyễn Thế Hà.
Anh Nguyễn Trường, một người dân cho rằng, theo thông tin từ vụ việc thì quán Karaoke Victory có biểu hiện như một nhà thổ bởi nếu chỉ là nhân viên rót bia, hát cùng khách thì chủ quán đã không phải thuê nhân viên để quản lý và trông coi các nữ nhân viên trong một phòng ngủ của quán để không cho các nữ nhân viên bỏ trốn.
“Nếu chỉ là một quán hát thông thường, thì quán Karaoke Victory sẽ khó hút được khách khi chỉ xây dựng những phòng nhỏ lẩn khuất trong khu vườn rợp bóng cây tại khu vực cầu Bến Gạo. Có thể việc xây dựng phòng hát chỉ là trá hình để quán này kinh doanh hoạt động mại dâm”, anh Trường cho biết.
Đồng quan điểm, anh Trần Trung cho rằng, nếu là nhân viên quán hát bình thường thì tại sao 16 người, trong đó có 13 nữ nhân viên lại chỉ có 1 người có chứng minh thư. Trong khi đó, nếu chỉ là nhân viên bình thường với giá 100.000 đồng/giờ hát/một nhân viên thì đó là thu nhập không tồi, chưa kể tiền bo của khách, vì sao các nhân viên lại có ý định bỏ trốn mà phải thuê người canh giữ.
“Theo thông tin từ công an cung cấp, nếu các nữ nhân viên có ý định bỏ trốn hoặc không thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thế Hà thì sẽ bị Thắng và Kế bắt, nhốt vào một phòng riêng của quán, sau đó dùng gậy nhựa đánh và dùng khóa số 8 còng tay vào giường. Rất có thể Hà đã chỉ đạo và dùng thủ đoạn để ép các nữ nhân viên này bán dâm nếu không sẽ bị đánh đập, khóa nhốt. Một thông tin khác minh chứng cho việc quán hát này là nhà thổ bởi có biểu hiện hoạt động bất thường khi các nhân viên đều là người tỉnh khác và liên tục thay đổi”, anh Trung nghi vấn.
Quán Karaoke Victory. |
Chị Nguyễn Thị Hà, một độc giả cho biết, dù là quán hát bình thường hay động thổ, ổ chứa mại dâm thì hành vi của Nguyễn Thế Hà và các nhân viên Đỗ Mạnh Thắng và Hoàng Nhật Kế đã phạm tội giữ người trái pháp luật khi khóa nhốt và dùng vũ lực để ép 13 nữ nhân viên phải phục tùng.
“Sự việc này được phát hiện từ tin báo của quần chúng nhân dân, có nghĩa việc quán Karaoke Victory do Nguyễn Thế Hà làm chủ có nhiều biểu hiện bắt giữ, ép các nhân viên nữ phục vụ quán hát trong suốt thời gian dài, gây dư luận xấu đến mức người dân địa phương phải báo tin đến cơ quan công an. Hành vi của các đối tượng trên không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương, làm xáo trộn vùng quê yên bình nên phải xử lý nghiêm để có tính răn đe”, chị Hà nói.
Theo quy định tại Điều 157 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”