Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), gia đình ông Đào Văn Đến (trú tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao vào ngày 9/2. Gia đình ông Đến có phát hiện đáng chú ý này khi bơm nước để thu hoạch cá. Sau khi phát hiện số cọc gỗ nghi liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288, gia đình ông Đến báo tin cho cơ quan chức năng địa phương.
Vào ngày 12/2, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia đã tổ chức khảo sát khu vực bãi cọc tại ao nhà ông Đào Văn Đến. Đến ngày 18/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng gửi tờ trình đến UBND TP Hải Phòng đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ mới phát hiện tại xã Lại Xuân (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Phát hiện 13 cọc gỗ tại Hải Phòng nghi liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: Tiền phong. |
Trước khi phát hiện 13 cọc gỗ nghi liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288 dưới đáy ao nhà ông Đến, người dân địa phương phát hiện 2 thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên vào ngày 1/10/2019. Theo đó, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2. Nhờ vậy, 27 cọc gỗ cổ có niên đại khoảng 1270 - 1430 được phát hiện tại cánh đồng Cao Quỳ.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ cho thấy bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288). Số cọc gỗ này chính là bằng chứng rõ ràng nhất về chiến thuật tài tình của Trần Quốc Tuấn khiến quân Mông - Nguyên chấm dứt kế hoạch xâm lược Đại Việt.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mùa xuân năm 1287, Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt) huy động 50 vạn quân (một số tài liệu ghi 30 hoặc 35 vạn) tái xâm lược Đại Việt với lý do là đưa Trần Ích Tắc về làm An Nam quốc vương.
Ảnh minh họa trận Bạch Đằng. Nguồn: Zing. |
Sau 2 lần thất bại vào các năm 1258 và 1285, quân Mông - Nguyên nhận thấy khó khăn lớn nhất của mình là lương thực. Vì vậy, vua Nguyên cử Trương Văn Hổ dẫn đoàn thuyền lương di chuyển bằng đường biển để tiến vào nước ta tiếp ứng cho Thoát Hoan.
Kế hoạch của quân Nguyên nhanh chóng thất bại khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị tướng Trần Khánh Dư đánh chìm ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Trước những bất lợi trên chiến trường, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước.
Đoán được "đường đi nước bước" tiếp theo của quân giặc, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hạ lệnh Nguyễn Khoái dẫn quân lẻn qua đường tắt lên mé thượng lưu sông Bạch Đằng chặt gỗ, đẽo nhọn đầu, bịt sắt (một số tài liệu cho rằng cọc lần này không bịt sắt) đóng trên sông rồi đặt phục binh chờ đợi đến lúc thủy triều lên thì đem thuyền ra khiêu chiến. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cọc Bạch Đằng được làm bằng gỗ lim, táu, chiều dài còn lại của cọc từ 1,5 - 2,5m, đường kính khoảng 18 - 28 cm.
Tiếp đến, tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thế Nghĩa dẫn quân mai phục ở ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chờ quân bộ của Thoát Hoan đến. Vào sáng ngày 9/4/1288, khi quân Nguyên - Mông tiến vào sông Bạch Đằng, tướng Nguyễn Khoái dẫn chiến thuyền từ bờ sông ra khiêu chiến.
Mời quý độc giả xem video: Cuộc hội ngộ 37 năm sau chiến tranh (nguồn: VCT14)
Ô Mã Nhi mắc bẫy nên ra lệnh cho quân sĩ đuổi theo. Nhận thấy quân địch đang truy kích, Nguyễn Khoái quay thuyền chạy. Khi quân Nguyên qua trận địa cọc nhọn đã bố trí sẵn, Nguyễn Khoái mới ra lệnh cho quay thuyền quyết chiến quân giặc.
Bị tấn công dữ dội, Ô Mã Nhi vội vã hạ lệnh quay thuyền ra biển. Tuy nhiên, trên đường ra, thủy triều đã rút, cọc gỗ nổi lên khiến thuyền chiến của quân Nguyên lao vào bãi cọc, bị vỡ và đắm rất nhiều. Theo đó, trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn đã nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống sông Bạch Đằng tạo nên chiến thắng vẻ vang, lừng lẫy lịch sử dân tộc ta.