Cao đẳng sư phạm xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ 9 điểm
Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh thông báo điểm sàn nhận hồ sơ trúng tuyển đợt hai của các ngành Sư phạm Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh là 9 điểm, bằng mức trúng tuyển đợt một.
Phương thức xét tuyển đợt hai của trường này theo công thức: 50% chỉ tiêu theo kết quả học tập THPT - xét học bạ; 50% theo kết quả thi THPT quốc gia 2017.
ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng thông báo tuyển nguyện vọng đợt hai ngành sư phạm, nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt một là 12,75.
Mức điểm 12,75 của ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tương ứng điểm sàn 15,5, được tính theo công thức sau: Điểm môn chính nhân đôi, cộng với điểm hai môn còn lại rồi chia 4 và nhân 3. Sau đó, điểm này được cộng với điểm ưu tiên.
Tổng chỉ tiêu cho mức điểm xét hồ sơ 12,75 là 224 ở các ngành Sư phạm Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Tương tự, ĐH Sư phạm Vinh công bố mức nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào tất cả ngành (trừ Ngôn ngữ Anh) là 15,5.
Trao đổi với Zing.vn chiều 10/8, ông Trương Thế Quy - Phó phòng Công tác Sinh viên, ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) - thông tin sau đợt tuyển sinh nguyện vọng một, tỷ lệ sinh viên nhập học vào trường là 80%. Đợt tuyển sinh thứ hai do ĐH Huế chủ trì.
Đạt điểm sàn của Bộ GD&ĐT là đủ điều kiện
Ông Quy cho hay 12 thí sinh đạt 12,75 điểm theo quy chuẩn (bằng điểm sàn 15,5 của Bộ GD&ĐT) nhập học. Số lượng này chiếm chưa đến 1% sinh viên vào trường.
Cụ thể, số thí sinh nhập học đạt tổng điểm 16 cho 3 môn là 15 em; từ 18,25 đến 20,75 điểm có 399 người; từ 21 đến 23,5 điểm là 320 thí sinh; từ 23,75 đến 26,25: 155 em; từ 26,5 đến 28,75: 30 em.
Theo vị phó phòng công tác sinh viên, điểm trung bình đầu vào của trường theo tổng điểm 3 môn xấp xỉ 21.
Trước lo lắng về chất lượng đào tạo của sinh viên khi có số điểm 12,75 theo quy chuẩn, ông Trương Thế Quy khẳng định: “Những học sinh này đều đạt điểm sàn của Bộ GD&ĐT, đương nhiên cá em có đủ điều kiện để theo trình độ đại học. Với điểm đầu vào tương đối cao, số ít học sinh đạt điểm 12,75 không ảnh hưởng đầu vào của trường”.
Phó phòng công tác sinh viên thông tin mỗi năm, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có từ 5% đến 6% sinh viên không đạt chất lượng bị đào thải hoặc lưu ban. Tỷ lệ sinh viên có việc làm năm 2016 là 54%, tính cả sinh viên có biên chế, hợp đồng hoặc làm trái ngành.
Các chuyên gia lo lắng
Trước đó, mức trúng tuyển ngành sư phạm chỉ ở mức 12,75 điểm quy đổi (hệ đại học) và 9 điểm với 3 môn thi (hệ cao đẳng) khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ĐH FPT - hy vọng những thí sinh trúng tuyển với mức điểm 15,5 hoặc 12,75 theo quy chuẩn sẽ không làm việc trong ngành sư phạm để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục.
Ông Tùng nêu quan điểm tuyển thí sinh với môn chính “không biết gì” vào học sư phạm để sau này ra trường làm thầy đi dạy môn liên quan môn chính thì "tự an ủi chắc đang có nhầm lẫn gì đó - lỗi đánh máy, lỗi thư ký, lỗi nén dữ liệu chẳng hạn - ảnh hưởng quyết định của những người có trách nhiệm đang dùng tiền ngân sách thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các năm sau".
TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa Toán - Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng: “Tôi rất đồng cảm với câu cảm thán của TS Lê Trường Tùng, mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên. Câu nói hơi sốc và gây tổn thương nhưng thực tế nên như vậy”.
Những bạn vẫn theo nghề này phải quyết tâm chứng minh 12,75 điểm đó chỉ là sự cố, phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người khác để thành giáo viên tốt. Phải tâm niệm rằng nếu mình không cố gắng học thì không thể dạy cho học trò cố gắng được.