Đánh giặc Quỳnh Châu – chiến tích thời Hùng Vương
Các nghiên cứu lịch sử khẳng định người Việt từ thời Vua Hùng đã rất giỏi thủy chiến. Tuy vậy, dấu vết của những trận thủy chiến đầu tiên của dân tộc hầu như không còn được lưu lại trong sử sách.
Chỉ còn một số truyền thuyết của cư dân vùng ven biển Bắc Bộ đề cập đến những cuộc chiến đó, tiêu biểu là một truyền thuyết được ghi nhận ở Hải Phòng.
Theo đó, vào thời Hùng Vương thứ 6, nhân dân sống ở ven bờ biển của nước Văn Lang thường rơi vào cảnh khốn đốn do quân giặc từ đảo Quỳnh Châu đưa thuyền vào cướp phá hàng năm. Trước lời kêu cứu của dân, Vua Hùng đã đem quân về, đóng ở một cái hang mà ngày nay là hang Vua ở Hải Phòng.
Hang Vua ngày nay. |
Truyền thuyết này đã chứng tỏ rằng, hoạt động thủy chiến của người Việt thời Vua Hùng không chỉ giới hạn trong các sông, hồ thuộc đất liền, mà còn diễn ra trên cả các vùng biển xa.
Trận Hồ Điển Triệt và cơ hội bị bỏ lỡ của Lý Nam Đế
Hồ Điển Triệt (nay thuộc xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) là nơi từng diễn ra trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế vào thế kỷ VI.
Theo sử sách, sau khi tiến hành khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Lương, vào tháng 2 năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lập nước lấy tên là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay). Đầu năm 545, nhà Lương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Vạn Xuân, nhằm khôi phục sự thống trị.
Hồ Điển Triệt. Ảnh: Vĩnh Phúc online. |
Quân Lương ngược dòng sông Lô lên định phá doanh trại của Lý Nam Đế ở hồ Điển Triệt, nhưng thất bại liên tiếp do địa thế vùng hồ này quả hiểm yếu, đành co cụm lại ở vòng ngoài của hồ. Tuy vậy, quân Lý Nam Đế vẫn cố thủ, không xuất kích để tiêu diệt kẻ địch đang ở thế bị động.
Nhân một đêm mưa lũ khiến mực nước hồ Điển Triệt dâng cao, quân Lương nhanh chóng tung chiến thuyền đánh úp căn cứ của Lý Nam Đế. Nghĩa quân bị đánh bất ngờ, không kịp phòng bị nên chống đỡ không nổi, phải mở đường máu rút lúi khỏi hồ Điển Triệt trong sự truy kích của kẻ thù.
Sau lần thất bại này, Lý Nam Đế phải vào nương náu trong động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ), giao lại toàn bộ binh quyền cho Triệu Quang Phục.
Trận Bạch Đằng 938 và chiến thuật đóng cọc gỗ kinh điển
Trận Bạch Đằng năm 938 là một trận đánh giữa quân dân Việt Nam - thời đó gọi là Tĩnh Hải quân và chưa có quốc hiệu chính thức - do Ngô Quyền lãnh đạo với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Nguyên nhân dẫn đến trận đánh bắt đầu từ năm năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ (bố vợ của Ngô Quyền) để chiếm quyền, nhưng lại không có chỗ dựa chính trị vững chắc nên đã cầu cứu nhà Nam Hán để bảo vệ quyền lực của mình.
Ngô Quyền nhanh chóng tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn, rồi chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy.
Theo sử sách, khi nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng rằng:
“Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.
Đóng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng. Ảnh minh họa. |
Khi cuộc chiến diễn ra, ông đã nhử quân Nam Hán vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền quân Nam Hán mắc cạn mới giao chiến. Kết quả, quân Nam Hán thảm bại, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lược.
Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vua, đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.
Trận Bạch Đằng 981 - kế mai phục của Lê Đại Hành
Trận Bạch Đằng 981 là một trận đánh có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh giữa nước Tống và Đại Cồ Việt, diễn ra từ tháng 1-4/981.
Năm 979, sau khi cha con vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, tranh chấp quyền lực trong cung đình đã xảy ra giữa phe của Lê Hoàn (941-1005) và một số đại thần thân cận của Đinh Tiên Hoàng. Lê Hoàn đã giết chết các đối thủ và củng cố sự kiểm soát triều đình.
Thấy triều đình nước Việt rối ren, nhà Tống ráo riết chuẩn bị đưa quân đánh chiếm Đại Cồ Việt. Trước tình hình đó, Lê Hoàn lên ngôi vua (sử thường gọi là Lê Đại Hành), lấy niên hiệu là Thiên Phúc.
Đầu năm 981, vua nhà Tống cho quân sang đánh Đại Cồ Việt. Chiến sự diễn ra ác liệt cả trên bộ và trên sông trong nhiều tháng trời giữa quân đội hai bên. Đến giữa tháng 4/981, thủy quân Tống do Hầu Nhân Bảo thống lĩnh thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến đối phương đã phải quay về sông Bạch Đằng và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trước tình hình này Lê Đại Hành đã chuẩn bị cho một trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Ông chọn một khúc sông hiểm yếu rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn.
Ngày 28/4/981, Lê Đại Hành đã cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo rồi vờ “thua chạy”. Quân Tống đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục và bị hủy diệt gần như toàn bộ.
Sau thất bại của đạo quân thủy, quân bộ của nước Tống hoảng sợ bỏ chạy về nước, bị truy kích và tiêu diệt quá nửa. Sau cuộc chiến tranh này, nhà Tống đã phải thừa nhận Lê Hoàn là người cai trị Đại Cồ Việt.
Nhật Lệ - trận thủy chiến lịch sử giữa Đại Việt và Chiêm Thành
Quan hệ giữa hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành là một mối quan hệ rất phức tạp trong lịch sử khu vực Đông Nam Á thời Trung đại.
Do điều kiện tự nhiên lãnh thổ quốc gia hẹp lại trải dài dọc theo bờ biển, giao thông Nam Bắc bằng đường bộ không thuận tiện, chủ yếu phải thực hiện bằng đường biển nên người Chiêm rất thạo nghề sông biển và lực lượng hải quân mạnh. Với lực lượng đó, quân Chiêm Thành từng nhiều lần đánh phá Đại Việt.
Tuy vậy, do tiềm lực quân sự yếu hơn nên người Chiêm Thành cũng nhiều lần phải hứng chịu những thất bại thảm khốc trước đế chế Đại Việt hùng mạnh. Trong các thất bại này, có thể kể đến trận thủy chiến Nhật Lệ.
Theo đó, vào năm 1069, vua Lý Thái Tông và danh tướng Lý Thường Kiệt đã đem 5 vạn quân đi chinh phạt Chiêm Thành nhằm ngăn chặn hành động tiếp tay cho nhà Tống quấy phá biên giới phía Nam của Đại Việt.
Lực lượng Đại Việt đã hành quân bằng đường biển và khi đến cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) thì gặp thuỷ quân Chiêm chặn đánh. Tại đây, lực lượng của Chiêm Thành đã bị đánh tan trước sức mạnh của đạo thủy quân Đại Việt.
Sau trận này, Lý Thánh Tông đã cho quân tiến xuống cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn) mà không gặp sức kháng cự nào của thuỷ quân Chiêm. Điều này chứng tỏ rằng, thuỷ quân Chiêm đã tan vỡ từ trận Nhật Lệ, hoặc vì quá sợ hãi mà không dám ra giao chiến.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU