Ít người biết dịch viêm phổi này bắt đầu như thế nào. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, bắt đầu từ tháng 10/1910, có báo cáo rải rác về một dịch bệnh xuất hiện tại các khu vực dọc đường sắt ở Mãn Châu nhưng ít lo ngại. Nguyên nhân là hầu như năm nào cũng có đợt bùng phát dịch khiến người dân địa phương ít quan tâm.
Tuy nhiên, sau ca tử vong đầu tiên ở Mãn Châu Lý, dịch bệnh nhanh chóng lan ra Cáp Nhĩ Tân, số người tử vong nhanh chóng tăng vọt lên hàng nghìn người ở các thị trấn dọc tuyến đường sắt nhưng không lan ra ngoài khu vực.
Trong 43.000 ca nhiễm bệnh, chỉ có một người duy nhất sống sót. Có một số tài liệu ước tính con số tử vong trong chỉ 4 tháng là 60.000 người khi tính cả người dân sống xa khu vực đường sắt.
Bác sĩ Wu Lien-teh. Ảnh: Wikipedia. |
Khi đó, Wu Lien-teh, một bác sĩ ở Penang, Malaysia đã được chính quyền nhà Thanh mời tới Cáp Nhĩ Tân để điều tra, đối phó với dịch bệnh khiến trên 95% người nhiễm bệnh tử vong.
Khi tới đây, bác sĩ Wu đã thực hiện cuộc khám nghiệm tử thi đầu tiên ở Trung Quốc với một phụ nữ Nhật Bản chết vì dịch bệnh. Ông phát hiện vi khuẩn Yersinia Pestis trong mô cơ thể nạn nhân và kết luận dịch bệnh là viêm phổi, có thể lây từ người sang người qua hơi thở hoặc nước bọt. Kết luận này trái với quan điểm rằng dịch chỉ do chuột, bọ chét lây truyền và không thể lây giữa người. Kết luận của bác sĩ Wu khiến mọi đồng nghiệp trong giới khoa học ngạc nhiên và bị hoài nghi mạnh mẽ. Trong số đó có cả ông Mesny, một bác sĩ nổi tiếng người Pháp. Bác sĩ này không tin kết luận của ông Wu và chết vì viêm phổi vài ngày sau đó vì nhất định không đeo khẩu trang và dùng gạc che vết thương. Cái chết của bác sĩ Mesny khiến cộng đồng quốc tế choáng váng.
Sau khi phát hiện ra bệnh truyền nhiễm từ động vật nhiễm bệnh sang người trong quá trình buôn bán lông thú nhộn nhịp, bác sĩ Wu ngay lập tức thực hiện các biện pháp phòng ngừa để kiềm chế đợt bùng phát dịch tại thời điểm chưa có thuốc kháng sinh. Các biện pháp gồm thiết lập các đơn vị cách ly, áp đặt lệnh cấm đi lại, thuyết phục giới chức Nga và Nhật Bản đóng dịch vụ đường sắt tới Cáp Nhĩ Tân.
Nhờ đó, quá trình lây truyền dịch bệnh đã được ngăn chặn ở Đông Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, số ca tử vong ở Cáp Nhĩ Tân tiếp tục tăng vì xác chết người nhiễm bệnh chính là ổ dịch hoàn hảo của vi khuẩn.
Nạn nhân chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc năm 1910. Ảnh: Wikipedia. |
Ngay lập tức, bác sĩ Wu đã xin cho hỏa táng người chết. Khoảng 3.000 thi thể và quan tài đã được tập hợp và hỏa táng. Tính tới 31/3/1911, không có ca lây nhiễm nào nữa. Dịch bệnh được dập tắt hẳn vào dịp Tết Nguyên đán.
Những ghi chép về nỗ lực kiềm chế dịch của bác sĩ Wu nói trên đã được tìm thấy mới đây trong thư viện Đại học Quốc gia Singapore. Ông Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Nhiễm trùng châu Á – Thái Bình Dương, nhận định nỗ lực đó là cơ sở để đưa ra các quyết định lâm sàng chính xác trong điều trị và phòng ngừa lây nhiễm. Ông nói: “Nỗ lực đó cũng là thông tin quý giá cho các nhà hoạch định chính sách, người phải đưa ra quyết định về cách ly, đóng cửa nhiều khu vực thành phố và phân bổ nguồn lực”.
Tuyến đường sắt xuyên Siberia chuyên chở nhiều hành khách và hàng hóa để bán ở châu Âu, trong đó có mặt hàng lông sóc đất – loài vật sống ở Đông Bắc Trung Quốc thường bị con người lột da mang bán. Buôn bán lông sóc đất đã đẩy nhanh quá trình lan truyền dịch bệnh. Ai đó mang virus gây bệnh có thể lên tàu ở Cáp Nhĩ Tân và vài ngày sau xuất hiện ở Paris hay Berlin. Ông Tambyah nói: “Gia tăng mạnh hoạt động đi lại trên toàn cầu càng cho thấy hiểm họa của các dịch bệnh truyền nhiễm”.
Các nguyên tắc kiềm chế dịch của bác sĩ Wu đã có từ thời trung cổ khi dịch bệnh hoành hành ở châu Á và châu Âu, nhưng bác sĩ Wu đã tổng hợp lại và những thông tin này đã được giới chức y tế hiện đại sử dụng cho tới ngày nay.
Theo ông Tambyah, điều mấu chốt là hợp tác quốc tế, chia sẻ dữ liệu minh bạch và không e ngại loại bỏ những biện pháp không có hiệu quả. Đó là cách tốt nhất để hạn chế thiệt hại do bệnh dịch truyền nhiễm gây ra và nó hiệu quả trong suốt cả trăm năm qua.
Bác sĩ Wu Lien Teh (thứ ba từ trái, hàng 1) trong Hội nghị Dịch bệnh Quốc tế năm 1911 ở Trung Quốc. Ảnh: ncbi.nlm.nih.gov. |
Sau khi Trung Quốc kiềm chế được đại dịch, vị bác sĩ 32 tuổi Wu Lien-teh đã nổi tiếng với biệt danh “dũng sĩ chống dịch”. Theo đề xuất của bác sĩ Wu, Hội nghị Dịch bệnh Quốc tế đã được tổ chức ở Thẩm Dương từ ngày 3-28/4/1911 với sự tham gia của các nhà khoa học tới từ nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ…. Ông được bầu làm chủ tịch hội nghị nhờ công tác phòng chống dịch viêm phổi được đánh giá cao.
Nỗ lực chống dịch viêm phổi ở Cáp Nhĩ Tân đã giúp bác sĩ Wu được đề cử giải Nobel Y học năm 1935. Dù không giành giải nhưng ông vẫn rất được kính trọng, được người Hoa gốc Malaysia và người Trung Quốc coi là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.
Ông Wu đã cống hiến công sức để thành lập bệnh viện, đại học y và Hiệp hội Y khoa Trung Quốc. Năm 1932, sau khi Nhật Bản chiếm đóng các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, ông tới Thượng Hải và thành lập Hệ thống Kiểm dịch Quốc gia. Ông trở lại Malaysia với gia đình năm 1937 khi chiến tranh kháng Nhật bắt đầu ở Trung Quốc.